Chủ tịch nước giao Thanh Hoá hoàn thành Khu lưu niệm đúng dịp kỷ niệm 70 năm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự lễ khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn, Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hoá phải hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong năm 2024.

Chủ tịch nước giao Thanh Hoá hoàn thành Khu lưu niệm đúng dịp kỷ niệm 70 năm

Ngày 28/8, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác của Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham dự.

Huy động xây dựng nông thôn mới gần 1.000 tỷ đồng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng, đồng hành của nhân dân, bộ mặt nông thôn ở Sầm Sơn đã có nhiều đổi thay căn bản, tạo nên một diện mạo mới.

Cụ thể, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, vì vậy, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 61 triệu đồng năm 2010 lên 150 triệu đồng năm 2020.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân thời kỳ 2010-2020 đạt 20,8%. Tổng giá trị sản xuất tăng từ 190 tỷ đồng năm 2010 lên 2.930 tỷ đồng năm 2020. Dịch vụ - Thương mại phát triển mạnh cả về quy mô và loại hình; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Sầm Sơn. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ từ 1.100 tỷ đồng năm 2010 lên 6.161 tỷ đồng năm 2020.

Tổng nguồn lực huy động cho việc xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay trên 977 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và của tỉnh chiếm 7,7%, ngân sách TP chiếm 10,64%, ngân sách xã chiếm 8,26%; còn lại do nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, cải tạo, chỉnh trang nhà ở…

“Công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm và phát triển về quy mô trường, lớp, tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học nên diện mạo các nhà trường ngày càng khang trang hơn, hiện đại hơn; hệ thống nhà văn hóa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ…”, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Thông tin khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, dự án có với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách tỉnh bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày. Dự án được giao cho UBND TP Sầm Sơn được giao làm chủ đầu tư.

Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho Thanh Hoá

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả đáng ghi nhận mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sầm Sơn nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Thanh Hóa sớm hoàn thành 2 nhiệm vụ. Cụ thể, đối với Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc xây dựng Khu lưu niệm phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa; đồng thời, bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong năm 2024.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc và các gia đình cựu cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam, tiến hành vận động, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như tái hiện được hình ảnh những chuyến tàu đưa hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Chủ tịch nước mong muốn sau khi hoàn thành, Khu lưu niệm sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường.

Nhiệm vụ thứ 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là về xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng phía Đông và Tây Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.