Đồng thời, khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cách đây 60 năm, vào tháng 12/1961, nhân dân Nghệ An được đón Bác về thăm quê lần thứ 2. Chỉ 3 ngày ít ỏi nhưng Người đã dành trọn thời gian tới thăm, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà tại Thành phố Vinh; thăm Nhà máy cơ khí Vinh; Trường Sư phạm miền núi Nghệ An; Nông trường Đông Hiếu; hợp tác xã Vĩnh Thành…
Đọc diễn văn khai mạc, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An một lần nữa nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cả cuộc đời, Người đã “hy sinh tình nhà để lo việc nước”. Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Trong tình thương yêu bao la đó, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, sự quan tâm chu đáo, ân cần cho quê nhà Nghệ An, cho làng quê Kim Liên, Nam Đàn và làng Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha.
Trong hành trình hoạt động cách mạng bôn ba khắp năm châu, bốn biển “tìm đường đi cho cả dân tộc”, Người luôn khắc khoải về đất nước, về quê hương xứ Nghệ. Người nhớ nhiều làn điệu hát ví, hát giặm, hát phường vải của quê nhà, nhớ da diết “tiếng mẹ hiền ru con”. Xa quê hơn nửa thế kỷ, Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, chân chất, vang vọng.
Về thăm lại làng Hoàng Trù, Người bình dị, gần gũi ngồi nói chuyện trước thềm nhà cùng bà con quê mẹ. Trong dòng người vui mừng đón Bác, Người vẫn nhận ra và không quên nhắc lại kỉ niệm với những người bạn thuở thiếu thời. Mỗi nơi đến thăm, Người đều dành cho cán bộ, nhân dân, bà con bao tình cảm ân cần, lời dặn dò cụ thể, thiết thực. Không ai có thể nghĩ rằng, đó cũng là lần cuối cùng Người về với quê hương, lần cuối cùng quê hương được đón Bác.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ kịp về thăm quê 2 lần vào năm 1957 và năm 1961. Trong bộn bề việc nước, Người vẫn luôn nặng lòng với quê hương.
Điều đó thể hiện qua 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, mà như Bác nói "Lấy danh nghĩa của một đồng chí già để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm" cho quê hương. Khi quê hương đau thương, Bác gửi điện động viên, thăm hỏi. Khi có thành quả xứng đáng, Bác viết thư khen ngợi, dặn dò. Khi có thiết sót, khuyết điểm Bác viết thư chân tình nhắc nhở. Tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, sự quan tâm tận tình, chu đáo của Người giành cho quê hương là tài sản vô giá, nguồn cổ vũ lớn lao, động lực thôi thúc cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Nghệ An trên mọi chặng đường cách mạng.
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê là dịp để cùng ôn lại và hiểu sâu sắc hơn về tình cảm của Người dành cho quê nhà, những điều dặn dò và mong ước cho quê hương phát triển. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Nghệ An nguyện hứa với Bác sẽ tiếp tục nỗ lực hơn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hoá, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo đưa tỉnh nhà phát triển bền vững. Phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi Nghệ An đã phấn đấu rất cao trong năm 2021, thực hiện mục tiêu đề ra, gồm cả xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh. Chủ tịch nước đề nghị, càng vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nghệ An càng phải thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình để hiện thực hóa những điều Người hằng mong ước đối với quê hương lúc sinh thời. Vì vậy, với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, Nghệ An chúng ta cần nỗ lực, quyết tâm làm nên một “kỳ tích sông Lam” mà cả nước đang mong đợi.
Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương để đưa các Nghị quyết trên vào cuộc sống vì sự phát triển của Nghệ An - quê hương thân yêu của Bác Hồ kính yêu. Cùng với việc phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thấm nhuần sâu sắc quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng, cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa và con người xứ Nghệ.
Đặc biệt, chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những “địa chỉ đỏ” nhằm giữ gìn, phát huy những di sản Hồ Chí Minh trên chính quê hương của Người để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau.