Từ đó đến nay, thực hiện di huấn của Người, chính quyền và nhân dân nơi đây đã từng bước làm đổi thay, phát triển xã Vĩnh Thành về đích nông thôn mới, phấn đấu đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu.
60 năm thực hiện di huấn Bác Hồ
Suốt cuộc đời mình, từ ngày rời làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha đi tìm đường cứu nước cho đến khi dân tộc giành độc lập, Bác Hồ chỉ kịp về thăm quê 2 lần.
Trong lần về thăm quê thứ 2, dù thời gian ngắn ngủi, Bác đã dành thời gian đến xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Lịch sử mảnh đất này đã ghi lại trang trọng: Năm 1960, Vĩnh Thành là xã đầu tiên của Nghệ An tiến lên xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, đưa lại hiệu quả và là đơn vị tiêu biểu trong phong trào trồng cây, gây rừng.
Từ những thành tích tiêu biểu này, năm 1961 nhân dân xã Vĩnh Thành vinh dự được đón Bác về thăm.
Tin có Bác về thăm khiến tất thảy bà con nhân dân vui mừng, mong ngóng. Người già kể lại, sáng hôm ấy mùa đông, nhưng trời nắng. Già trẻ, trai gái, học sinh các cấp đổ về đồi Nhạn Tháp nơi trực thăng chở Bác hạ cánh xuống, để được nhìn thấy vị cha già dân tộc.
Bác giản dị như hình dung, dáng người cao gầy, bộ quần áo kaki và đôi dép cao su. Bác đã đến thăm nhà trẻ, trại chăn nuôi, y tế xã. Thăm hỏi, tặng quà một số người dân và nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân.
Bác biểu dương thành tích xây dựng hợp tác xã, chăn nuôi, trồng cây, làm thủy lợi... của địa phương. Động viên, căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Thành, Yên Thành phải phát huy nhiều hơn nữa để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời không quên nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn...
Gần 60 năm trôi qua, nhân dân Vĩnh Thành luôn ghi nhớ và thực hiện di huấn của Bác, đưa quê hương ngày càng phát triển.
Ông Thái Huy Hoàng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết, địa phương là một trong những xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới. Tất cả đang nỗ lực, phấn đấu đạt mục tiêu đưa Vĩnh Thành trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, lấy phát triển kinh tế làm nòng cốt, nhưng quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…
Trường học đạt chuẩn quốc gia
Đầu tháng 5, bà con xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An đã gặt hái xong vụ mùa xuân hè. Vẫn giữ vai trò quê lúa với những cánh đồng mẫu lớn, nhưng hiện Vĩnh Thành đã phát triển kinh tế đa dạng hơn, trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại…
Gia trại của anh Đào Văn Trường (xóm Vĩnh Tiến) rộng hơn 8ha được quy hoạch bài bản. Trong đó chiếm phần lớn diện tích là mặt ao hồ để thả cả và nuôi trồng các loại thủy sản khác. Trên cạn, anh chăn nuôi vịt, lợn và mở lò ấp trứng. Mỗi năm, thu nhập từ gia trại của anh từ 150 – 200 triệu.
“Về đầu ra sản phẩm thì gia đình tôi không lo lắng vì đã có có các đầu mối bao tiêu. Nhưng giá cả thị trường thì có biến động, lên xuống tùy theo từng năm, nên mình cần có dự báo để đầu tư hợp lý. Ngoài ra, về diện tích gia trại không thể mở rộng được nữa, vì đang ở trong khu dân cư, nên chúng tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện cho gia đình được thuê đất lâu dài, ổn định, yên tâm kinh doanh sản xuất”, anh Đào Văn Trường nói.
Theo ông Thái Huy Hoàng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, kinh tế địa phương có sự tăng tưởng toàn diện. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt gần 360 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của Vĩnh Thành hiện ước đạt 47 triệu/người/năm. Các trường mầm non, tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, riêng trường THCS đang đợi thẩm định các tiêu chí.
Địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng
Hơn nửa thế kỷ từ ngày Bác Hồ về thăm, đến nay Vĩnh Thành đã thay da đổi thịt và còn trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.
Năm 2011, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành đã được xây dựng và khánh thành nằm cùng khuôn viên trụ sở xã. Trong đó, lưu giữ hình ảnh, kỷ vật trong lần Bác về thăm, động viên, căn dặn Đảng bộ, chính quyền, bà con quê lúa được lưu giữ, trưng bày cẩn thận. Những tư liệu đó góp phần nhắc nhở thế hệ lãnh đạo, người dân sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là nơi đặc biệt để các nhà trường dạy chương trình giáo dục địa phương cho học sinh.
Em Nguyễn Thùy Linh (học sinh lớp 8A, Trường THCS Vĩnh Thành) chia sẻ: “Em cảm thấy rất tự hào khi được lớn lên, học tập tại nơi mà Bác Hồ từng về thăm vào năm 1961. Qua các bài giảng của thầy cô, các chương trình ngoại khóa và đi thăm Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm về Vĩnh Thành, em càng hiểu hơn về lịch sử cách mạng và công lao của thế hệ cha ông đi trước. Em và các bạn sẽ cố gắng học tập tốt, phát huy truyền thống và góp phần xây dựng quê hương đổi mới”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An)cũng cho biết: “Khu lưu niệm có quy mô nhỏ, số lượng hiện vật không đồ sộ, phong phú như các bảo tàng. Nhưng mỗi bức ảnh, mỗi kỷ vật được lưu giữ tại đây là một câu chuyện sống động gắn liền với con người, thời kỳ lịch sử cách mạng, sự đổi thay, phát triển của quê hương Vĩnh Thành.
Các em học sinh khi được thầy cô giáo giới thiệu, giải thích thì cảm thấy bất ngờ, háo hức. Nhiều em tỏ hứng thú khi phát hiện trong bức ảnh lại là đập nước, cánh đồng của xóm mình, hoặc chính là ngôi trường mà các em từng theo học. Qua đó, chúng tôi giáo dục các em về truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước và học tập làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh”.