Chủ tịch nước chúc mừng các cựu giáo chức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

GD&TĐ - Chiều 15/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt thân mật đại biểu Hội Cựu giáo chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên, chúc mừng đại biểu Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên, chúc mừng đại biểu Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Cùng dự có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo một số cục vụ chuyên môn của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ GD&ĐT.

Về phía Hội cựu giáo chức có Chủ tịch, GS.TSKH. NGND Nguyễn Mậu Bành, cùng 30 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 60 vạn hội viên Hội cựu giáo chức toàn quốc.

Buổi gặp mặt thể hiện sự quan tâm, động viên, tri ân đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cá nhân Chủ tịch nước đối với các nhà giáo lão thành, những người đã tận tụy cống hiến cho sứ mệnh trồng người cao cả, vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật đại biểu Hội Cựu giáo chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật đại biểu Hội Cựu giáo chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Vai trò của Hội Cựu giáo chức ngày càng được khẳng định

Phát biểu tại buổi tiếp, thay mặt Hội Cựu giáo chức, GS.TSKH. NGND Nguyễn Mậu Bành bày tỏ xúc động trước sự quan tâm đầy tình nghĩa của Chủ tịch nước với các cựu giáo chức. Đồng thời, nhà giáo Nguyễn Mậu Bành cũng xúc động khi chia sẻ câu chuyện Chủ tịch nước dù bận trăm công nghìn việc vẫn dành thời gian tri ân thầy giáo, khi vào tận Bệnh viện 108 thăm thầy giáo cũ là GS. Hồ Phương đang chữa bệnh, hay là người đến sớm nhất để viếng và chia buồn một thầy giáo cũ qua đời là GS. Lê Du Phong.

NGND Nguyễn Mậu Bành cho biết: Hội Cựu giáo chức Việt Nam thành lập theo Quyết định số 24/2004/QĐ-BNV ngày 9/4/2004. Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ 1, 2, 3 là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS.NGND Trần Văn Giàu. Điều lệ Hội được Bộ Nội vụ phê chuẩn với hai nội dung hoạt động cơ bản là: Chăm lo đời sống vật chất- tinh thần cho hội viên; đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho ngành Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt.

Hiện đã tổ chức Hội ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường tại 62 tỉnh/thành phố; 46 trường ĐH-CĐ thuộc Bộ GD&ĐT, các bộ ngành ở Trung ương với 60 vạn hội viên.

Bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên, Hội Cựu giáo chức cũng vận động nhà giáo về hưu đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Tổ chức thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình; cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành; cùng tham gia triển khai một số công việc có chọn lọc; cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu.

GS.TSKH. NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.

GS.TSKH. NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.

Một số đóng góp cụ thể của Hội Cựu giáo chức có thể kể đến: Là nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, Trung tâm học cộng đồng. Vận động GS, PGS, tiến sĩ tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các nhà trường khi đã về hưu hoặc giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường dân lập. Hỗ trợ học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh tại địa phương có khó khăn về kinh tế, học tập khá, giỏi. Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng của giáo dục, của học tập cho con em, phân luồng học sinh sau trung học, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức học đường…

Hội đã phát huy vai trò “Người thầy giáo - Người trí thức - Người cao tuổi” trong cộng đồng dân cư nên được tín nhiệm tham gia các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; xã hội - nghề nghiệp như công tác Đảng, Chính quyền, Mặt trận, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh (đối với nhà giáo nguyên là chiến sĩ quân đội)… ở cơ sở.

Tại buổi gặp mặt, các cựu giáo chức đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết và gửi một số kiến nghị, đề xuất đến Chủ tịch nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Trân trọng nguồn lực, vốn quý của Ngành

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của Ngày Nhà giáo Việt Nam và nhấn mạnh đây là dịp để thăm hỏi, chúc mừng, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn các thầy giáo, cô giáo, những người đóng góp lớn lao cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.

Chủ tịch nước đồng thời ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Hội Cựu giáo chức Việt Nam và tri ân những đóng góp tích cực của các cựu giáo chức, tuy tuổi cao, điều kiện hoạt động còn khó khăn nhưng vẫn giữ trọn tâm huyết, trách nhiệm đối với ngành Giáo dục nước nhà.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam. Với truyền thống đó, người thầy được coi là biểu tượng cao quý cả về đạo đức, nhân cách để học trò noi theo. Xác định vai trò quan trọng và để tri ân công lao của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, năm 1982, Đảng và Nhà nước đã cho phép lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho đại biểu Hội Cựu giáo chức tại buổi gặp mặt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho đại biểu Hội Cựu giáo chức tại buổi gặp mặt.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày hội lớn của các nhà giáo và cũng là ngày vui của toàn thể học sinh trong cả nước. Đây là dịp để mỗi người chúng ta đến thăm hỏi, chúc mừng, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn các thầy giáo, cô giáo. Cũng là dịp để các cấp lãnh đạo, quản lý nhìn lại việc chỉ đạo, điều hành bộ máy giáo dục và quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các tầng lớp nhân dân cũng có dịp để phát huy ý thức trách nhiệm đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Đối với nhà giáo, đây là dịp thể hiện lòng yêu mến trẻ, rèn luyện phẩm chất, tay nghề, giữ vững lương tâm và trách nhiệm, đem trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang là giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của đất nước. Là dịp để các nhà giáo càng thêm yêu nghề dạy học, mỗi nhà giáo tiếp tục giữ vững phẩm chất và năng lực để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngày càng phát triển tốt đẹp, đưa đất nước đến đài vinh quang.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quà cho đại biểu Hội Cựu giáo chức tại buổi gặp mặt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quà cho đại biểu Hội Cựu giáo chức tại buổi gặp mặt.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, để Hội tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và nhiệt huyết của các thành viên đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà. Đối với những đề xuất, kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt nam, Chủ tịch nước giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, nghiên cứu để có đề xuất chính sách cụ thể.

Thay mặt ngành Giáo dục và toàn thể đội ngũ nhà giáo Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc thu xếp thời gian để lắng nghe, động viên các đại biểu Hội Cựu giáo chức Việt Nam thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của Chủ tịch nước đối với Hội, qua đó thể hiện sự quan tâm tới toàn thể đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung.

Bộ trưởng khẳng định: Bộ GD&ĐT luôn luôn coi lực lượng các nhà giáo, các cựu giáo chức là một nguồn lực, vốn quý của Ngành. Đối với Hội Cựu giáo chức, chăm lo cho các hội viên tốt cũng là chăm lo cho nguồn lực, vốn quý ấy. Trân trọng ghi nhận đóng góp của những cựu giáo chức, Bộ trưởng cho rằng, nhiều thầy tuy đã cao niên nhưng với trí tuệ, với chuyên môn sâu sắc vẫn trực tiếp đóng góp vào các hoạt động giáo dục. Nhiều thầy vẫn viết giáo trình; hướng dẫn nghiên cứu sinh; trực tiếp giảng dạy; hoặc quan tâm, tham gia ý kiến cho các công việc của Ngành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.

Nhấn mạnh sự đề cao, quý trọng, tôn vinh với toàn thể lực lượng các cựu giáo chức, Bộ trưởng cho biết vẫn thường dẫn lời cổ nhân nói với các nhà quản lý giáo dục, coi như phương châm cho việc ứng xử: Chúng ta kỳ vọng thế hệ học sinh về sau ứng xử với mình như thế nào, thì đầu tiên chúng ta cần ứng xử với các thế hệ tiền bối như vậy.

Bộ trưởng khẳng định: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo, căn dặn của Chủ tịch nước và sẽ cùng với Hội Cựu giáo chức có được những hoạt động tốt nhất cho Hội. Cùng với đó ghi nhận đầy đủ ý kiến của các cựu giáo chức, phân công đơn vị chức năng, hoặc phối hợp với các bộ ngành liên quan để nghiên cứu, xem xét, có giải pháp phù hợp cho từng việc.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, một lần nữa Bộ trưởng thay mặt ngành Giáo dục, lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi đến các đại biểu Hội Cựu giáo chức và qua các thầy cô gửi tới các nhà giáo đã nghỉ hưu, các hội viên Hội Cựu giáo chức trong cả nước lời thăm hỏi, sự ghi nhớ công lao đã và đang đóng góp xây dựng truyền thống của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.