Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

GD&TĐ - Sáng 16/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 5 thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” và xem xét, thông qua dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và dự kiến phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm và phạm vi nghiên cứu nêu trong dự thảo Đề án Đổi mới công tác thi hành án hình sự; đánh giá thực trạng công tác thi hành án hình sự; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác thi hành án hình sự. Đồng thời các đại biểu thảo luận xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác giam giữ, thi hành án tử hình; công tác hỗ trợ người chấp hành xong bản án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Về Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, các đại biểu cơ bản tán thành với việc ban hành Kế hoạch để xác định rõ mục đích, yêu cầu chung của việc kiểm tra và quy định nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp kiểm tra riêng của Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thư ký và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên họp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Cho ý kiến về Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đề án cần quán triệt, thực hiện đúng đắn mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49 để xác định rõ mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác thi hành án hình sự phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời cần xác định rõ mục tiêu của việc đổi mới công tác thi hành án hình sự là hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân

và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Chúng ta phải quán triệt rõ những quan điểm đổi mới của công tác thi hành án hình sự đó là bảo đảm thực hiện đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách hình sự của Nhà nước, để góp phần thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp và pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, với tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng thời góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chúng ta phải đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tạo điều kiện cho những người phạm tội sớm hoàn lương và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng”.

Về nội dung đánh giá thực trạng công tác thi hành án hình sự, Chủ tịch nước đề nghị cần phải nêu rõ hơn những ưu điểm cần tiếp tục duy trì, phát huy; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể để có cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp đổi mới.

Đặc biệt cần phân tích rõ hơn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giam giữ đối với phạm nhân bị án tử hình và việc thi hành án tử hình; công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân phải chấp hành bản án phạt tù; công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế...

Theo Chủ tịch nước, việc đổi mới công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới cần xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và lộ trình, trách nhiệm thực hiện đối với từng lĩnh vực công tác. Trong đó bao gồm phương hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức thi hành án tử hình, án phạt tù, án treo, cải tạo không giam giữ...

Chủ tịch nước yêu cầu, đối với công tác thi hành án phạt tù, cần đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật, đổi mới tổ chức bộ máy và công tác quản lý, giam giữ, cải tạo, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp và việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân, nhất là đối với công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo,cải tạo không giam giữ, quản chế...,

Cho ý kiến về dự thảo kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng, đây là nhiệm vụ thường xuyên của Ban Chỉ đạo đã được xác định trong Chương trình làm việc năm 2018, vì vậy cần tiếp tục triển khai.

Chủ tịch nước đề nghị, nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương cần phải quy định rõ để các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương triển khai thực hiện. Đồng thời trong Kế hoạch cần xác định rõ mục đích, yêu cầu chung của việc kiểm tra và quy định nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp kiểm tra riêng của Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương.

Trong đó, mục đích, yêu cầu chung của việc kiểm tra là giúp Ban Chỉ đạo nắm vững tình hình, đánh giá đúng kết quả trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương đã đề ra.

 “Tôi đề nghị các đồng chí phải chọn lọc, chọn vấn đề, chọn đơn vị, địa phương để ta xuống kiểm tra, đôn đốc. Các đồng chí cần dự thảo ra một nội dung là tự kiểm tra, tự đánh giá, hướng dẫn cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Nếu người ta có cách làm hay thì chúng ta tiếp thu để phổ biến, nếu làm chưa tốt chúng ta góp ý để họ làm tốt hơn nhưng phải đề cao trách nhiệm của thủ trưởng, cấp ủy của các bộ, ngành, địa phương”, Chủ tịch nước phát biểu.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, căn cứ vào Kế hoạch chung của Ban Chỉ đạo, đề xuất với cấp ủy nơi mình công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tại bộ, ngành mình. Các đồng chí được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thu xếp công việc, bố trí thời gian tổ chức các Đoàn đi làm việc với Thường trực cấp ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy các địa phương và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo theo đúng quy định.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ