Sáng 9/4, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm kết luận của thanh tra thành phố mới đây và kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006.
Kết quả thanh tra của thành phố Hà Nội cho thấy có hàng nghìn công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Ảnh:Gia Chính. |
Theo ông Chung, sau khi thành phố công khai thông báo kết luận, có ý kiến thắc mắc một số công trình không được nêu. "Những gì Thanh tra Chính phủ đã kết luận, thành phố không nêu lại mà tiếp tục đôn đốc thực hiện", ông Chung giải thích và cho hay trong kết luận thanh tra thành phố có nội dung chuyển cơ quan công an điều tra xử lý những vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.
"Về xử lý từng công trình, thời gian tới Hà Nội và Thanh tra Chính phủ sẽ có phiên họp theo tinh thần thống nhất chủ trương và cách làm để đảm bảo ổn định, tối ưu và nghiêm khắc nhất", ông Chung nói.
Cũng theo Chủ tịch TP Hà Nội, kết luận thanh tra đã nêu rõ những vi phạm trong công tác quản lý, quy hoạch, đặc biệt liên quan đến việc xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng. Trên cơ sở kết luận, thành phố sẽ đặt ra lộ trình để phân trách nhiệm cho các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, khi xem xét vấn đề liên quan đến quy hoạch đất đai thì phải gắn với lịch sử từng giai đoạn. Thành phố đã cử đoàn đi khảo sát thực tế để phản ánh trong kết luận thanh tra một cách chính xác nhất, nhưng vẫn còn một số người dân cho rằng, chính sách đưa người dân vào vùng kinh tế mới ở Sóc Sơn hay quy hoạch chồng lấn giữa đất ở với đất rừng đặc dụng chưa được thể hiện rõ. Để giải đáp thắc mắc, thành phố sẽ công bố cột mốc được cắm từ trước đến nay.
Phía sau một công trình ởViệt Phủ Thành Chương là rừng Sóc Sơn. Ảnh:Võ Hải. |
Cùng ngày, Bí thư huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương thông tin, văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra của thành phố ban hành ngày 1/4, ngày 3/4 mới về tới huyện. Thường vụ Sóc Sơn đã ra nghị quyết để UBND huyện làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện, sau đó sẽ công khai.
Trước đó ngày 21/3, thành phố đã có hai thông báo kết luận thanh tra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Trường hợp hộ ông Trương Anh Quân, vợ là bà Đỗ Mỹ Linh (gia đình ca sĩ Mỹ Linh), thông báo kết luận nêu năm 2001, ông Quân mua lại đất của hộ ông Đỗ Xuân Lâm đã được cấp sổ đỏ diện tích 600 m2 đất ở từ năm 1997, trước khi có quy hoạch rừng năm 1998. Năm 2009, hộ ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác.
Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh sổ đỏ. Năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Sóc Sơn lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi sổ đỏ cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Kết luận năm 2006 của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ khu đất của công trình Việt Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng (theo quy hoạch hiện nay là rừng phòng hộ môi trường) và kiến nghị xử lý đối với trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Sóc Sơn chưa thiết lập hồ sơ vi phạm để tiến hành xử lý.
Thanh tra đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 vì không nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, đồng thời khẩn trương thực hiện dứt điểm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngày 1/4, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) giai đoạn 2008-2018.
Thành phố giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân các thời kỳ 2006-2018 đã không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND thành phố về xử lý khắc phục sau thanh tra; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra các vi phạm như kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn phải tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm được lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn; trả lại nguyên trạng ban đầu; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất với các chủ sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2006-2018 tại thị trấn Sóc Sơn và 10 xã trên, huyện phải lập kế hoạch và thiết lập hồ sơ, phương án xử lý, khắc phục.
Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nhiều cá nhân như Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thuỷ lợi Sóc Sơn; Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội; Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Sóc Sơn.
Thành phố yêu cầu báo cáo việc thực hiện kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân liên quan trước ngày 15/5.