Khi được hỏi về kế hoạch năng lượng khẩn cấp của EC trình bày vào tuần trước, Chủ tịch Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm cho khối này không phụ thuộc vào năng lượng Nga. Bà lưu ý việc Moscow quyết định dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho EU chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo bà Ursula Von Der Leyen, Nga không phải là đối tác tin cậy cho việc cung cấp năng lượng của châu Âu. Gazprom đã cố tình giữ mức lưu trữ của mình ở mức thấp. Trong khi đó, Nga chỉ cung cấp một phần hoặc không cung cấp khí đốt cho 12 quốc gia thành viên EU. Do vậy, châu Âu phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là sớm hay muộn gì Nga cũng sẽ ngừng cấp khí đốt.
Người đứng đầu EC nhấn mạnh, EU đặt mục tiêu hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga muộn nhất vào năm 2027 và khoảng 300 tỷ euro sẽ được đầu tư theo kế hoạch REPowerEU nhằm tiết kiệm khí đốt và đẩy nhanh “quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.
Bà thúc giục các thành viên EU không phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt Nga tham gia nỗ lực tiết kiệm năng lượng. Chủ tịch EC cảnh báo ngay cả khi các quốc gia này không nhận bất kỳ khí đốt nào từ Nga, họ vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong trường hợp Nga ngừng cung cấp hoàn toàn năng lượng cho EU.
Tuần trước, EC đưa ra kế hoạch năng lượng khẩn cấp được gọi là đề xuất “Tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn”, trong đó chỉ thị cho tất cả các nước EU giảm mức tiêu thụ khí đốt của họ xuống 15% vào tháng 9 – một giới hạn sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2023.
Các quốc gia thành viên cũng được yêu cầu chuyển sang năng lượng tái tạo hoặc thậm chí than, dầu và điện hạt nhân để đạt được mục tiêu trên, đồng thời hướng dẫn công dân của họ định mức sử dụng khí đốt.
Kế hoạch này sẽ được các bộ trưởng năng lượng của EU thảo luận vào ngày mai. Bà Von Der Leyen bày tỏ tin tưởng kế hoạch này sẽ được các bộ trưởng chấp nhận. Họ là những người “hiểu rõ trách nhiệm của mình” để nhìn thấy châu Âu an toàn trong hai mùa đông tới.
Tuy nhiên, cho đến nay một số quốc gia EU vẫn phản đối kế hoạch trên, trong đó Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, Ý, Ba Lan và Hungary cáo buộc EC đã không tham khảo ý kiến các quốc gia thành viên về kế hoạch này.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ quan điểm rằng Moscow có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho EU. Tuần trước ông tuyên bố rằng tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã “sẵn sàng bơm nhiều khi cần thiết” nhưng EU đã “tự đóng cửa mọi thứ”.
Trước đó, ông Putin gọi các biện pháp trừng phạt của khối đối với Nga là “điên rồ và thiếu suy nghĩ”, đồng thời cáo buộc các nhà lãnh đạo EU thực hiện hành vi “tự sát” kinh tế theo lệnh của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Gazprom cho biết đã lập kỷ lục chuyển khí đốt trong ngày sang Trung Quốc vào hôm nay (25/7).