Chủ nhân Nobel từ chức vì phân biệt giới tính

Một chủ nhân giải Nobel đã từ chức giáo sư danh dự tại ĐH College London sau khi nói rằng các nhà khoa học nữ nên được tách ra, không làm việc chung với các đồng nghiệp nam bởi vì họ thường khóc khi bị chỉ trích và thường xao nhãng vì chuyện tình cảm khi làm việc trong phòng thí nghiệm.

Tim Hunt - chủ nhân giải Nobel năm 2001 vừa từ chức giáo sư danh dự sau khi có phát biểu phân biệt giới tính
Tim Hunt - chủ nhân giải Nobel năm 2001 vừa từ chức giáo sư danh dự sau khi có phát biểu phân biệt giới tính

Đây là ý kiến của ông Tim Hunt, 72 tuổi, nhà hóa sinh được trao giải Nobel Sinh lý học năm 2001 nhờ đóng góp đột phá trong vấn đề phân chia tế bào. Ý kiến này đang làm dấy lên một cuộc tranh luận toàn cầu về phân biệt đối xử với phụ nữ làm khoa học.

“Hãy để tôi nói cho bạn nghe về những rắc rối của tôi với các cô gái” – ông Hunt phát biểu tại Hội thảo quốc tế các nhà báo khoa học diễn ra tại Hàn Quốc. “Có 3 điều xảy ra khi họ ở trong phòng thí nghiệm: Bạn yêu họ, họ yêu bạn và khi bạn phê bình thì họ khóc”.

Khi ông phát biểu, cả hội trường im lặng, nhưng sau đó ý kiến của ông khiến giới khoa học dậy sóng khi giám đốc chương trình báo chí khoa học ĐH Thành phố London – bà Connie St Louis đề cập tới trên Twitter.

Bà viết: “Chủ nhân giải Nobel này thực sự nghĩ rằng chúng ta đang ở thời đại Victoria chăng?”

Ngay lập tức, cả đàn ông và phụ nữ làm khoa học hay làm ở các lĩnh vực khác đều ồ ạt phản đối ý kiến của ông Hunt.

Giáo sư Sophie Scott tới từ ĐH College London viết trên Twitter: “Tôi đang ngồi trong văn phòng, nhưng tôi không thể làm việc được khi nhìn thấy ảnh ông Tim Hunt, vì tôi yêu ông ấy mất rồi. Chết tiệt!”

Bà Kate Devlin – một giảng viên tại ĐH London cũng mỉa mai: “Chú ý, tôi không thể chủ trì cuộc họp lúc 10 giờ sáng nay vì tôi quá bận mơ mộng và khóc lóc”.

Những người phụ nữ khác cũng phản đối bằng cách đăng ảnh họ đang làm việc với tư cách là nhà khoa học, một số đăng những bức ảnh mang tính trêu đùa hoặc thể hiện sự quyến rũ của họ.

Ông Hunt sau đó đã đưa ra một lời xin lỗi mà mạng xã hội gọi là “xin lỗi như không”. Ông nói với BBC Radio rằng ông thực sự rất tiếc vì đã nói điều đó.

“Ý tôi muốn nói về việc gặp rắc rối với các cô gái. Tôi phải lòng những phụ nữ trong phòng thí nghiệm và mọi người cũng phải lòng tôi. Việc đó làm ảnh hưởng tới khoa học, bởi vì việc mọi người làm việc bình đẳng trong phòng thí nghiệm là cực kỳ quan trọng”.

“Việc bạn phê bình ý kiến của người khác cũng rất quan trọng, và nếu họ khóc, điều đó có nghĩa là bạn bị hạn chế đưa ra sự thật. Khoa học sẽ chẳng là gì ngoài việc tìm kiếm sự thật” – ông nói.

ĐH College London cho biết ông Hunt – người được phong tước Hiệp sĩ năm 2006 – đã xin từ chức khỏi Khoa Khoa học đời sống hôm 10/6.

Những người chỉ trích còn kêu gọi Hiệp hội Khoa học hoàng gia – nơi mà ông Hunt là một thành viên – loại ông ra khỏi danh sách.

Bình luận về ý kiến của ông Hunt, một bài viết đăng trên The Independent nói: “Khi có những con chuột trong phòng thí nghiệm như ông ta, liệu có ai tự hỏi tại sao lại thiếu những phụ nữ làm khoa học?”

Ông Hunt cũng không phải là nhân vật có tiếng tăm đầu tiên đối mặt với những chỉ trích khi bình luận về phụ nữ làm khoa học. Năm 2006, ông Lawrence H.Summers đã từ chức Hiệu trưởng ĐH Harvard sau khi phát biểu rằng “khả năng bẩm sinh” có thể giải thích được sự khan hiếm phụ nữ xuất sắc trong khoa học và toán học.

Một số chủ nhân giải Nobel khác cũng từng gặp rắc rối khi bình luận về phụ nữ, trong đó có nhà văn V.S. Naipaul khi ông nói rằng ông coi những nhà văn nữ là đàn em.

“Khi đọc một văn bản, chỉ cần đọc 1 hay 2 đoạn là tôi biết tác giả có phải phụ nữ không” – ông từng nói vào năm 2011.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.