Chủ động và tăng tốc

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Văn bản với các phụ lục, biểu mẫu gần 60 trang của Bộ hướng dẫn khá kỹ lưỡng, chu đáo những điểm nhấn quan trọng nhất, đáp ứng mong đợi của thí sinh, phụ huynh, chính quyền địa phương và nhà trường. 

Nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ, học sinh và giáo viên yên tâm về thời gian đăng ký xét tuyển, lịch thi… vì thuận tiện cho công tác dạy học và ôn tập. Các cấp quản lý từ trường đến sở và chính quyền địa phương yên tâm với từng tiến độ đầu việc theo lịch công tác. Việc Bộ hướng dẫn rõ hơn các nội dung kỹ thuật như phần mềm, chấm thi trắc nghiệm… cũng được đánh giá tạo thuận lợi cho người thực hiện công tác thi…

Trước đó, khi chưa có văn bản hướng dẫn, căn cứ chủ trương tiếp tục giữ sự ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của Bộ, các tỉnh đã chủ động trong công tác chuẩn bị. Ngay từ đầu năm học, các sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường xây dựng phương án dạy học, ôn tập phù hợp, thường xuyên bám sát chỉ đạo của Bộ và truyền thông đến đội ngũ, phụ huynh, học sinh. Như ở Hòa Bình, sở chủ trương cho thầy trò tham khảo, sử dụng chuyên đề, đề minh họa do giáo viên cốt cán cấp tỉnh xây dựng. Kế hoạch ôn tập của các trường được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên, trình độ nhận thức của học sinh với từng môn học, từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, kịp thời.

Mỗi đơn vị, trường học ở tỉnh này dự kiến tổ chức ít nhất 2 đợt thi thử. Hay ở Vĩnh Phúc, cũng từ sớm, ngành GD đã rà soát số học sinh, trường lớp, dự kiến có 14.260 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021, tăng khoảng 2.000 thí sinh so với năm 2020. Số điểm thi mà tỉnh dự kiến chuẩn bị là 27 điểm với 605 phòng thi, tăng khoảng 80 phòng thi so với năm 2020…

Chủ động đi trước một bước nên ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ, đa số các địa phương khá thuận lợi để tăng tốc. Tuy vậy, thực tế cũng có những điểm mới phát sinh khiến các địa phương phải đối diện với không ít khó khăn. Chẳng hạn như có địa phương số lượng thí sinh GDTX tăng, trong khi quy chế năm nay siết chặt kỷ cương với quy định mỗi điểm thi có không quá 40% thí sinh GDTX. Quy định kỹ hơn trách nhiệm thí sinh trong khu vực chờ vào phòng thi cũng đòi hỏi công tác tổ chức của cơ sở phải đồng bộ để phát hiện, chế tài. Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên cả nước còn diễn biến phức tạp, việc vừa tổ chức thi và phòng dịch nghiêm túc, dù có kinh nghiệm từ năm ngoái, vẫn không hề là chuyện dễ dàng.  

Với vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thi, công việc của các sở GD&ĐT những ngày sắp tới khá nặng: Chuẩn bị tham mưu cho chính quyền  thành lập Ban chỉ đạo thi đầy đủ thành phần theo quy chế để phối hợp tốt; xúc tiến kế hoạch triển khai, tập huấn cho lãnh đạo và chuyên viên, giáo viên về kỳ thi; Chỉ đạo các đơn vị phổ biến rộng rãi những điểm mới của kỳ thi cho phụ huynh và học sinh, tổ chức dạy học nghiêm túc, có phương án hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, an ninh của các điểm dự kiến tổ chức  thi… Song song với tăng tốc dạy học, ôn tập, các cơ sở giáo dục cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu quy chế, văn bản để tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi…

Hàng núi công việc đang chờ các nhà trường, địa phương tăng tốc, nhiều đầu việc thực sự rất khó khăn. Thế nhưng vì một kỳ thi thành công, kỷ cương, công bằng, nghiêm minh, tất cả đang hết sức nỗ lực vào cuộc. Gánh phần khó trên vai, quyết tâm triển khai tốt việc chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, “với các địa phương, không chỉ để giữ uy tín cho toàn ngành và địa phương mình mà còn là vì sự thuận lợi và quyền lợi cho con trẻ”, lãnh đạo nhiều sở GD&ĐT khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ