Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

GD&TĐ - Nhiều năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khó lường.

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Xâm nhập mặn là điều khó tránh khỏi

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỉ mét khối, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó có hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng với trên 50% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15-25%. Tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (tính đến trạm Kratie - Campuchia) khoảng 83 tỷ m3, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 2,5 tỷ m3.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình hàng năm, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021. Cụ thể nhận định diễn biến xâm nhập mặn tại các cửa sông như vùng các cửa sông Cửu Long vào tháng 11 đến tháng 12/2021, ranh mặn 4g/l ở mức 20-30km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; tháng 1 đến tháng 02-2022, ranh mặn 4g/l, vào sâu 50-70km, cao hơn 7-15km so trung bình hàng năm, thấp hơn năm 2020 từ 8-20km nhưng phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là các kỳ triều cường kết hợp gió mạnh; tháng 3 tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, trường hợp nguồn nước tăng như một số năm gần đây thì xâm nhập mặn sẽ giảm, còn trường hợp nguồn nước không tăng, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức như tháng 02-2021.

Vùng 2 sông Vàm Cỏ: Tháng 01 đến tháng 12/2021, ranh mặn 4g/l ở mức 30-40km, chưa ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; tháng 1 đến tháng 2-2022, ranh mặn 4g/l, vào sâu từ 60-65km, cao hơn 5-10km so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2020 15-20km, nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi ở các vùng từ dưới TP.Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây khoảng 10km và dưới Bến Lức 5-7km trên sông Vàm Cỏ Đông vào kỳ triều cường thấp; tháng 3, ranh mặn 4g/l có thể lên đến 80-85km, cao hơn 5-10km so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2020 10-20km. Ở vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn: Xâm nhập mặn phụ thuộc vào vận hành cống Cái Lớn - Cái Bè.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “So với năm 2016, năm được đánh giá là hạn, mặn kỷ lục trong vòng 100 năm tính đến thời điểm đó, thì đến nay mức độ đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Năm 2016, xâm nhập mặn chỉ diễn ra trong khoảng 2 tháng và vẫn còn 2 xã tại Bến Tre chưa bị ảnh hưởng; năm 2020, xâm nhập mặn đã lên đến 5 tháng và ảnh hưởng tới tận các xã cù lao của huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Dẫu vậy, chúng ta vẫn phải tìm mọi giải pháp để ứng xử với các hình thái thiên tai mới”.

Chủ động nhiều giải pháp

Trong công điện số 369 ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36 CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng Sông Cửu Long, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Thứ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ và Quốc hội về đảm bảo nước sạch bền vững cho người dân vùng ĐBSCL.

Theo đó, hiện vùng này có hơn 3.000 nhà máy nước tập trung ở vùng nông thôn, đợt hạn, mặn năm 2020 có khoảng 200 nhà máy bị ảnh hưởng. Bộ NN&PTNT cùng với địa phương đã ra phương án ngăn một số sông để lấy nước cho các nhà máy này, cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân. Cùng với đó là đầu tư lắp đặt đường ống nước. Riêng tỉnh Sóc Trăng, năm 2020 đã lắp đặt được hơn 300km đường ống nước ngọt đến khu vực dân cư thiếu nước sinh hoạt. Phương án này khả thi do ở vùng ĐBSCL cơ bản người dân sinh sống khá tập trung. Còn lại, toàn vùng có khoảng 20.300 hộ sinh sống rải rác không đưa được nước đến nơi thì vẫn có phương án tích nước không tập trung. Theo tính toán, mỗi hộ cần 15 triệu đồng để xây bể xi măng tích trữ nước. Mỗi bể tầm 10m3, tổng kinh phí ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương)
Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương)

“Giải pháp thứ hai là tích trữ nước ngọt rải rác để cân bằng các vùng, đồng thời góp phần bổ sung nguồn cho nước ngầm. Nước ngọt khoan dùng cho sinh hoạt ở ĐBSCL chỉ 10%, còn lại chủ yếu cho sản xuất, đặc biệt là dành cho thủy sản để nuôi tôm (nuôi tôm nước lợ cần phải bổ sung nước ngọt để giảm độ mặn của nước để tôm không bị bệnh, sinh trưởng và phát triển). Dự kiến từ giai đoạn 2021-2025 sẽ có những công trình tích nước không tập trung bằng các cống cố định ở những kênh cụt, không có giao thông thủy (tích nước ngọt để dùng khi hạn hán, xâm nhập mặn)” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ thêm.

Cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến các địa phương thuộc vùng DBSCL, cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân biết, chủ động có giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương rà soát, điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước ngọt, do độ mặn tăng cao; đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt thủy sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô sắp tới.

Tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung; có phương án vận chuyển, hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân nơi không có nguồn nước ngầm, nơi có nguồn nước mặt bị khô cạn, nhiễm mặn, phèn, các cụm đảo... vào cao điểm mùa khô năm 2020 - 2021, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, ngành thủy lợi sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm cấp bách phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống úng, ngập đảm bảo an toàn công trình, hồ đập. Triển khai dự án mở mới về về sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hồ chứa thủy lợi kết hợp tưới thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 và Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 14 tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ do World Bank tài trợ.

---

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...