Chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 8

Chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 8

(GD&TĐ) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trưa 26/10, bão Sơn Tinh (cơn bão số 8) cách Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Nam và đã mạnh thêm. Đây là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong 10 năm gần đây và mạnh nhất trong năm nay.

Đường đi và vị trí cơn bão số 8
Đường đi và vị trí cơn bão số 8

Trước diễn biến phức tạp và bất thường của cơn bão số 8, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 48/CĐ-TW (số 02 về cơn bão số 8) hồi 17 giờ ngày 25/10/2012 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động khẩn trương đối phó với cơn bão số 8.

Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh, thành phố Miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị khẩn trương thực hiện một số công việc sau:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời;

Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh có hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước;

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tốt công tác phòng chống lụt bão trong quá trình trước bão, trong bão và sau bão. Đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục cần chủ động đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, lũ diễn ra. Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho học sinh, sinh viên khi đến trường. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường khi xảy ra bão, lũ nhằm nhanh chóng đưa các cơ sở giáo dục trở lại hoạt động bình thường, có phương án bố trí thời gian đến trường hợp lý ở các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị trong ngành đảm bảo "ba đủ", tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ học sinh đến trường sau bão. Đảm bảo không để học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở do thiên tai gây ra.

Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Ngoài việc báo cáo nhanh về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định, còn phải báo cáo những tình huống phát sinh, những sự cố bất thường xảy ra trong bão, lũ để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Đằng Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ