Không lâu sau khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới cho công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, một số nước đã không công nhận...
Để tháo gỡ vướng mắc này, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội Tờ trình về việc bổ sung thông tin nơi sinh trên hộ chiếu.
Theo đó, từ ngày 1/7/2022, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân. Trước khi phát hành chính thức mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam.
Đến ngày 27/7/2022, một số nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của nước ta với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin “nơi sinh” của người mang hộ chiếu.
Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện in bị chú bổ sung thông tin về “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân.
Lý giải việc phải trình Quốc hội về việc này, theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam do Luật Xuất cảnh, nhập cảnh quy định nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Và rằng Chính phủ trình, kiến nghị Quốc hội cho bổ sung thông tin nơi sinh trên hộ chiếu là phù hợp. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí đề xuất đưa nội dung trên vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV...
Thực tế, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định thông tin nơi sinh trong giấy tờ xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, khi nảy sinh vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa nội dung này vào Phiên họp tháng 8/2022 để chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, hộ chiếu, thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước.
Như vậy có thể thấy, để giải quyết vấn đề, dù chỉ mang tính “kỹ thuật”, các cơ quan chức năng đã chủ động, tích cực và linh hoạt vào cuộc. Nếu không, vấn đề sẽ chậm được giải quyết, hoặc ở dạng “còn có ý kiến khác nhau”, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cụ thể trong trường hợp này, việc Quốc hội tán thành bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân trên hộ chiếu sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu; không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí.
Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn rằng, dù về cơ bản, các quy định của pháp luật nước ta là phù hợp, tương thích với quy định của luật pháp các nước trong khu vực cũng như quốc tế. Thế nhưng, trong một số trường hợp nhất định vẫn có “độ vênh” cần sớm nhìn nhận và có giải pháp khắc phục kịp thời.