Giáo viên tự nâng cao chuyên môn
Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), tiết học Khoa học Tự nhiên (gồm liên môn Vật lý, Hóa học và Sinh học) thường xuyên diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi. Học sinh được tham gia làm thí nghiệm, thảo luận theo nhóm các câu hỏi theo chủ đề bài học và chủ động tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức bài học.
Là một trong những giáo viên đầu tiên được tham gia tập huấn và giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên cho học sinh lớp 6 từ năm học 2021 – 2022, cô Nguyễn Thùy Dương, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm nhận định Khoa học Tự nhiên là môn học mới, được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Điều này mang đến cho giáo viên cả những điều mới mẻ lẫn thách thức trong quá trình giảng dạy.
Cô Thùy Dương cho biết: “Tôi đã dạy học sinh lớp 6 trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới và năm nay là lớp 7. Theo sát quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, tôi nhận thấy CT GDPT mới nói chung và môn Khoa học Tự nhiên nói riêng đã giúp các em rèn luyện nhiều năng lực, phẩm chất có thể kể đến như năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực tự học tự tìm hiểu,Tr phong thái học tập hăng hái tích cực...”.
Với chuyên môn Hóa học, cô Dương cho biết trong quá trình triển khai CT GDPT mới, cô đã được nhà trường cử tham dự nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT, Sở/Phòng GD&ĐT. Bản thân nữ giáo viên cũng tích cực trau dồi thêm kiến thức về Sinh học, Vật lý để tự nâng cao chuyên môn và triển khai tốt nhất việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên cho học sinh.
Tính đến thời điểm hiện tại, cô Dương cảm thấy thêm phần tự tin khi giảng dạy CT GDPT mới. Cô giáo đánh giá học sinh trong lớp rất vui và hào hứng khi học môn học mới.
“Thời gian đầu dạy môn học mới, tôi còn khá bỡ ngỡ nhưng hiện nay đã tự tin hơn do được tập huấn kỹ càng từ trước. Còn chỗ nào nào chưa rõ, tôi sẽ nhờ giảng viên các trường đại học sư phạm, giáo viên cốt cán lẫn ban giám hiệu, giáo viên nhà trường chỉ bảo”, cô Thảo nói và cho biết thêm thấy “hào hứng” vì được tích luỹ thêm kiến thức môn Sinh, Hóa.
Còn cô Phạm Thị Thanh Thảo, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: Quá trình triển khai CT GDPT mới có nhiều thuận lợi do từ năm 2015, nhà trường đã được tiếp cận mô hình trường học mới và giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng rất sớm.
Nỗ lực trong điều kiện khó khăn
Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết, mặc dù trải qua thời gian dài ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhà trường luôn cố gắng thực hiện giảng dạy cho học sinh đủ thời gian, kiến thức và hoàn thành năm học.
Học sinh làm thí nghiệm trong tiết học môn Khoa học Tự nhiên. Ảnh: TG. |
Từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục tỉ mỉ từng tháng, tuần, tiết và công khai cho giáo viên cùng theo dõi. Từ đó, giáo viên có thể chủ động giảng dạy.
Với những môn học mới như môn Khoa học Tự nhiên, nhà trường xây dựng kế hoạch năm học, phổ biến cho giáo viên nắm rõ các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng. Trong quá trình triển khai chương trình mới, ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn, ban chuyên môn thường xuyên lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của giáo viên và cùng nhau thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ.
Nhà trường đồng thời cử giáo viên tham gia tập huấn rộng hơn số lượng giáo viên đứng lớp môn Khoa học Tự nhiên nhằm tăng cường triển khai cho những năm tiếp theo, đồng thời giáo viên có thể hỗ trợ lẫn nhau. Giáo viên tích cực tự học, tự trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm sư phạm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dạy học môn Khoa học Tự nhiên theo CT GDPT mới, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm còn nhiều trăn trở.
Theo cô Trần Thị Yến, một số giáo viên nhà trường có trình độ chuyên môn còn thiếu. Với môn Khoa học Tự nhiên là môn học mới, các thầy cô vừa giảng dạy vừa phải tích luỹ kinh nghiệm.
Còn cô Thùy Dương bày tỏ: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên môn học mới phải triển khai theo hình thức trực tuyến một thời gian dài trong năm học trước. Ngoài ra, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Đơn cử, giáo viên phải tận dụng các nguyên liệu làm thí nghiệm".
Cô Thùy Dương, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm. Ảnh: TG. |
Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – GDTX, Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết trong quá trình triển khai CT GDPT 2018, Sở đã tham mưu, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ năm học.
Với việc triển khai môn Khoa học Tự nhiên đối với cấp THCS, Sở GD&ĐT chỉ đạo các hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học.
Đồng thời, các trường bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai CT GDPT mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng. Ở bộ môn Khoa học Tự nhiên, tỉnh còn thiếu giáo viên giảng dạy.