Thứ nhất: Học sinh cần nắm vững những kiến thức và kĩ năng cơ bản của phần đọc hiểu và làm văn.
Cụ thể, phần đọc hiểu cần nắm vững 6 loại văn bản tương ứng với 6 phong cách ngôn ngữ chức năng; nắm vững 6 thao tác lâp luận gồm: giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận với những đặc thù riêng của từng thao tác để nhận biết. Đồng thời, học sinh cần nắm vững 5 phương thức biểu đạt và các biện pháp nghệ thuật thường gặp cùng tác dụng của nó. Phần đọc hiểu, học sinh cần trả lời ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng.
Phần đoạn văn nghị luận xã hội cần xác định rõ vấn đề rồi thực hiện theo các bước: giải thích, biểu hiện, ý nghĩa, vai trò, mở rộng khen chê, bài học nhận thức hành động;
Phần nghị luận văn học cần đọc kĩ chỉ dẫn ở đề rồi triển khai bài làm theo yêu cầu: khi phân tích phải bám sát đặc trưng thể loại, đặc trưng của đối tượng như thơ, truyện, nhân vật…
Thứ 2: Học sinh nhất thiết lưu ý bình tĩnh đọc kĩ đề, tìm ra vấn đề then chốt, tránh tối đa sự nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc
Thứ 3: Phân bổ thời gian hợp lí cho từng phần, từng loại câu hỏi cụ thể. Cách phân bổ thời gian hợp lí nhất thường là theo biểu điểm. Có thể ví dụ: Phần đọc hiểu 3 điểm, làm trong 30 phút; phần đoạn văn 2 điểm, làm trong 20 phút; còn lại dành cho bài văn 5 điểm. Tuy nhiên, học sinh phải linh hoạt câu dễ, câu khó, câu chắc chắn, câu còn băn khoăn….
Thứ 4: Học sinh cố gắng trình bày bài làm khoa học, sạch, đẹp.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương cũng lưu ý một số lỗi học sinh hay mắc phải ghi làm bài thi như: Hỏi một đằng trả lời một nẻo do không đọc kĩ đề hoặc không hiểu câu hỏi; câu trả lời cần ngắn gọn thì viết dài dòng dẫn đến ý thừa, ý thiếu; gạch xoá tuỳ tiện, diễn đạt không trong sáng…