Hà Nội 'giải nén' áp lực dân số tại nội thành:

Chốt diện tích nhà ở tối thiểu

GD&TĐ - Dân số của TP Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng khoảng 20%.

Chung cư mini dành cho những người thu nhập thấp.
Chung cư mini dành cho những người thu nhập thấp.

Diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp (thuê, mượn, ở nhờ) tại Hà Nội đối với khu vực ngoại thành là 8 m2/sàn/người và nội thành là 15 m2/sàn/người.

Đáp ứng nhu cầu thực tế

Ngày 6/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ XII, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố.

Nghị quyết nêu rõ: Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP Hà Nội, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020.

Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội là 8 m2/sàn/người - đối với khu vực ngoại thành; đối với khu vực nội thành là 15 m2/sàn/người.

Theo nghị quyết, HĐND TP Hà Nội giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định. Trong quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động báo cáo HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển của TP Hà Nội.

Trước đó, thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

Dân số của TP Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Dân số đô thị tại 12 quận của Hà Nội đã tăng khoảng 20%. Mật độ dân số trung bình năm 2021 là 2.479,5 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh.

Mật độ dân số tập trung tại các quận ở Hà Nội cao. Trong đó, mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người/km2 (cao nhất là quận Đống Đa 37.869 người/km2), cao gấp 4,5 lần so với mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung.

Giảm áp lực dân số

Công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, TP Hà Nội sinh hoạt trong những chung cư mini.

Công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, TP Hà Nội sinh hoạt trong những chung cư mini.

Từ thực trạng quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để Hà Nội xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Ban Pháp chế HĐND Hà Nội cho rằng, việc ban hành quy định trên của thành phố chỉ là giải pháp trước mắt để từng bước giải nén, giảm tải áp lực về quy mô dân số cho các quận nội thành nói riêng và sẽ đạt kết quả khi thực hiện đồng thời, đồng bộ các giải pháp khác.

Như vậy, trong thời gian tới, TP Hà Nội cũng cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách, các giải pháp, sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số.

Trong vấn đề này, chính quyền Hà Nội phải tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các khu vực trung tâm gắn với việc tái thiết đô thị để đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… cho người dân, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Bên cạnh đó là di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Ngoài ra, TP Hà Nội ngay từ bây giờ phải thúc đẩy nhanh việc phát triển các đô thị vệ tinh, thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị…

Trước đó, Báo GD&TĐ ra ngày 15/6/2023 có bài viết: “Cần đánh giá kỹ về quy định diện tích tối thiểu nhà ở tại Hà Nội”. Bài viết thông tin về việc Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Tại hội nghị, có nhiều ý kiến chuyên gia lưu ý việc này phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, dự thảo đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ