Chồng Việt đoảng là tại vợ

Bộ ảnh nuôi con của một ông bố đơn thân đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Các mẹ, các bà vợ, các chị em sôi nổi chia sẻ, bình luận. Các bố, các ông chồng, các anh em mắt tròn mắt dẹt lo sợ.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Tại sao, một hành động tưởng như bình thường của mỗi bậc cha mẹ lại mang đến một ý đồ “dạy chồng” cho các bà vợ và một sự phòng bị “đối phó vợ” cho các ông chồng như vậy?

Tại vì đâu mà các ông chồng lại bị gắn với cái mác lười chăm con, ngại chăm con, sợ chăm con như vậy? Tại vì đâu mà các ông chồng lại bị gắn cho cái mác đoảng, vô tích sự và chỉ làm hư con với hàng trăm tật xấu?

Thứ nhất, lối suy nghĩ phong kiến về vị thế, vai trò của chồng – đàn ông

Khi là con gái, vợ cũng bức xúc trước tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại trong xã hội, trong cơ quan, trong trường học và cả ở trong gia đình. Vợ cũng thề rằng sau này sẽ không như thế, sẽ coi con gái cũng như con trai, cháu gái như cháu trai. 

Nhưng rồi cũng chính vợ khi chuẩn bị làm mẹ và khi chuẩn bị thành bà nội lại là người mong muốn có con trai, cháu trai nhất. Khi sắp là mẹ, vợ tìm mọi cách, từ bồi bổ, siêu âm, uống thuốc đến cầu xin trời thần phật để có con trai. 

Khi sắp làm bà nội, vợ gieo rắc tư tưởng, vợ nói bóng nói gió, vợ gây áp lực với con dâu để làm sao vợ có thằng cháu đích tôn. Cái tư tưởng ấy đã làm cho chồng, ngay từ khi trong bụng mẹ với cái kết quả siêu âm giới tính là con trai, đã có một vị thế độc tôn trong lòng mẹ, với sự chăm sóc, nâng niu khác thường. Chính cái vòng luẩn quẩn đó đã đẩy chồng ra xa khỏi thiên chức “chăm con”.

Yêu vợ đến mấy, thương vợ đến mấy nhưng chồng đâu có được thò tay, chạm tay vào những công việc chăm con thường nhật. Với bà nội của con, tất cả những việc đó là việc “của đàn bà”, đàn ông chỉ làm công to việc lớn mà thôi. Chồng có cố gắng giành làm thì bà lại tức vợ, cáu vợ, chê vợ lười, vợ đoảng để chồng làm, chồng khổ. 

Những đêm con quấy khóc, chồng có muốn bế ru con cho vợ ngủ cũng không được vì bà, vì vợ muốn chồng ngủ để mai còn có sức đi làm. Nhiều lúc nhìn vợ luôn tay luôn chân chăm con, sữa sữa, cháo cháo, tã tã, bỉm bỉm mà chồng có làm được gì đâu. 

Ngay đến bà ngoại còn chẳng cho chồng làm việc nhà để đỡ đần cho con gái bà, tức là vợ. Các bà giành hết việc chăm con về cho bà và cuối cùng cũng là cho vợ. Sướng thế, chồng lao vào việc nhà, việc chăm con làm gì nữa để mà chồng bị càu nhàu và vợ cũng bị cáu.

Thứ hai, “bố thì cũng như con”

Xuất phát từ tình yêu thương, từ sự tần tảo, chăm chỉ của phụ nữ, vợ thường coi “chồng cũng như con”. Vợ chăm chồng cũng gần như chăm con. Chăm từ bộ quần áo, đôi dép, chỗ ngủ, bữa ăn đến cái bàn cạo râu, lọ nước hoa, khéo cả cái tăm. 

Chồng béo, chồng đẹp trai, chồng chỉn chu là vợ vui, vợ được mát mặt vì biết cách chăm chồng. Dần dần trong mắt vợ, chăm chồng cũng như chăm con, “chồng cũng như con”. Ngay cả bản thân mình, chồng còn không phải lo nữa thì làm gì phải lo cho con.

Thứ ba, sự “coi thường” chồng

Vợ luôn cho rằng chồng thì làm được gì, động vào cái gì thì hỏng cái đấy. Bế con thì sợ rơi, trông con thì sợ con ngã, ru con thì sợ hát linh tinh, cho con uống sữa thì sợ con sặc, cho con ăn thì sợ con nghẹn, tắm cho con thì sợ không sạch, chơi với con thì sợ con nuốt vật thể lạ,... 

Tốt nhất là chồng đừng có động tay vào việc chăm con cho vợ đỡ thêm vất vả. Chồng cũng biết là chồng kém, chồng đoảng nhưng chồng có tính cầu thị, biết sửa sai, biết “nghe lời” nhưng vợ đâu có kiên nhẫn cho chồng tập trông con, chăm con.

Đã thế, vợ “coi thường” chồng nhưng lại hay đi khen những ông chồng khác. “Coi thường” chồng như vậy thì chồng gắng làm gì. Sao khi so chồng với những ông chồng ấy, vợ không so vợ với những bà vợ ấy có khác gì nhau. Vợ như “mẹ” của chồng, còn những bà vợ kia là “vợ” của chồng họ thôi.

Vợ ơi đừng thế mà! Chồng cũng như vợ, vợ cũng như chồng, chúng ta đều có trách nhiệm với các con, với hạnh phúc của gia đình này. 

Có thể chồng trông con, chăm con không được như vợ mong muốn nhưng “công to việc lớn” chồng còn học được, làm được thì cái việc “cỏn con” này có gì mà chồng không học được, tập được và làm được chứ (có thể để lại một số hậu quả không mong muốn).

Hãy chia sẻ những khó khăn, những vất vả, những công việc cho dù nhỏ nhất của việc chăm sóc, nuôi dạy con. Vì con là con của vợ chồng mình chứ không chỉ là con của vợ đâu.

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ