Thật may mắn, đây không phải là mối đe dọa hiện hữu, mà chỉ là sự khởi đầu của kịch bản các bài tập diễn ra trong Hội thảo về bảo vệ hành tinh (tổ chức ở ngoại ô Washington, Mỹ). Gần 300 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trao đổi về cách bảo vệ Trái đất trước nguy cơ va chạm với thiên thể lạ. Các mô phỏng cho thấy chúng ta phải tính đến việc này ít nhất là 1 lần trong vài chục năm.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA cho rằng, nhân loại phải có kế hoạch cụ thể về những việc cần làm khi mối nguy hiểm xảy ra. Trong khuôn khổ kế hoạch bảo vệ hành tinh, cần tăng cường khả năng phát hiện sớm những thiên thể nguy hiểm, dự đoán quỹ đạo của chúng và vị trí va chạm (nếu có), đồng thời dự đoán việc phá hủy hoặc đẩy thiên thể ra khỏi đường bay nguy hiểm.
Ngoài các nhà khoa học Mỹ, tham gia thảo luận còn có các chuyên gia từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Israel, Italy và Nga. Đáp ứng nhu cầu tập luyện và phân tích tình huống trong Hội thảo, các nhà khoa học đã nghĩ ra kịch bản liên quan đến tiểu hành tinh giả tưởng 2019 PDC. Nó được “phát hiện” vào ngày 26/3/2019 ở cách Trái đất 57 triệu km. “Hòn đá vũ trụ” này có kích thước 100 - 300 m, bay về phía Trái đất với vận tốc 14 km/s.
Các tính toán ban đầu cho thấy quỹ đạo 2019 PDC đi ngang Trái đất ở khoảng cách dưới 0,05 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn là khoảng cách trung bình từ Trái đất đến Mặt trời, gần bằng 150 triệu km). Tiểu hành tinh giả tưởng 2019 PDC quay xung quanh Mặt trời trong 971 ngày, trên quỹ đạo kéo dài với điểm viễn nhật (xa Mặt trời nhất) là 2,94 đơn vị thiên văn.
Các kết quả ước tính đầu tiên về chủ đề nguy cơ va chạm 2019 PDC với Trái đất đã được tiết lộ. Sau 2 ngày phát hiện, xác suất va chạm là 1/50.000. Sau một tuần: 1/250. Ngày 13/5 tiểu hành tinh bay đến gần Trái đất ở khoảng cách ngắn nhất là 0,13 đơn vị thiên văn (19 triệu km). Việc quan sát tiểu hành tinh này vẫn còn khả thi cho đến năm 2027.
Các nhà thiên văn học cố gắng theo dõi tất cả “các tảng đá trời” có khả năng bay đến gần Trái đất ở khoảng cách dưới 50 triệu km và có kích thước đủ để gây ra tổn thất. Hằng năm có khoảng 700 tiểu hành tinh mới kiểu này. Số lượng các tiểu hành tinh được biết đến đã vượt quá con số 20.000. Trong số đó, 942 tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 1 km.
Tại Mỹ, các nhà khoa học sử dụng các kính viễn vọng ở Arizona và Hawaii để phát hiện tiểu hành tinh. Cũng nhằm mục đích này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA đã xây dựng kính viễn vọng ở Tây Ban Nha và dự định sẽ lắp đặt tiếp ở Chile và Italy. Các nhà thiên văn học cũng nói nhiều về nhu cầu chế tạo kính viễn vọng vũ trụ,có khả năng phát hiện các tiểu hành tinh ở phía sau Mặt trời.
Mục đích của các bài tập trong Hội thảo về bảo vệ hành tinh là xây dựng một kế hoạch hành động khi có nguy cơ va chạm xảy ra. Các hoạt động này liên quan đến việc quan sát kỹ lưỡng đối tượng, dự đoán đường bay và vị trí va chạm (nếu có). Công việc cần làm tiếp theo là lập kế hoạch cho những hoạt động khả dĩ có thể làm thay đổi đường bay của tiểu hành tinh hoặc sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.