Tháng 12/2014, tàu thăm dò Hayabusa 2 của Nhật Bản được phóng vào vũ trụ. Đích đến của nó là tiểu hành tinh 162173 Ryugu (dưới đây gọi là Ryugu). Sau hơn 3 năm, con tàu đã tới đích (ngày 27/6/2018). Sau đó, trong giai đoạn quan sát ban đầu, con tàu đã thả thành công 2 thiết bị đổ bộ - xe tự hành MINERVA II và
MASCOT xuống bề mặt tiểu hành tinh. Cả 2 xe tự hành đã thực hiện nhiều phép đo đạc có giá trị.
Ngay từ đầu năm 2019, con tàu chuẩn bị thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh. Chiến dịch thu thập mẫu vật diễn ra trong 2 ngày 21 - 22/2. Con tàu đã thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Ngày 5/4, con tàu tiếp tục thực hiện một thí nghiệm nữa: Phóng thiết bị va chạm vào bề mặt tiểu hành tinh Ryugu. Thiết bị có tên là Small Carry-on Impactor (SCI).
Để giữ an toàn, vào lúc va chạm, tàu Hayabusa 2 bay cách xa vị trí của SCI. Việc theo dõi quá trình va chạm được giao phó cho “camera bay” DCAM 3. Nhờ vậy, các nhà khoa học đã quay được cảnh vật chất bắn lên từ bề mặt Ryugu sau va chạm với SCI.
Hiện tại, tàu Hayabusa 2 vẫn đang di chuyển ở xa tiểu hành tinh Ryugu (khoảng cách trên 100 km) để đề phòng va đập với các mảnh vụn vật chất bắn lên từ bề mặt tiểu hành tinh này. Khoảng 1 tuần nữa, con tàu sẽ bay đến gần tiểu hành tinh hơn và thực hiện các quan sát chi tiết đối với hố va chạm mới.
Các nhà khoa học ở Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản hi vọng va chạm này mang lại một số thông tin thú vị về Ryugu và các tiểu hành tinh nhỏ trong Hệ Mặt trời.
Trước tiên, kích thước hố va chạm sẽ được đánh giá, để rút ra thông tin về đặc điểm bề mặt và các lớp đất đá dưới bề mặt Ryugu.
Đây cũng sẽ là cơ hội để các nhà khoa học nhìn sâu vào trong lòng đất tiểu hành tinh này, xác định xem các mảnh đá vụn trên bề mặt tiểu hành tinh thuộc khu vực va chạm có bị biến đổi (nứt, vỡ) hay không.