Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng nhưng các vụ vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra, dù quy mô các vụ phá rừng có giảm hơn so với trước. Do việc khai thác gỗ trái phép mang lại nguồn lợi lớn vì giá trị gỗ, nhất là quý rất cao nên dù bị truy quét mạnh lâm tặc vẫn tìm mọi cách để phá rừng lấy gỗ.
Song song với đó là tình trạng buông lỏng, tiếp tay, dung túng, bao che cho lâm tặc phá rừng của một số tập thể, cá nhân có thẩm quyền nhưng thoái hóa biến chất, tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, một số người dân sống dựa vào rừng như đốt rừng làm rẫy, đốn cây lấy củi, lấy gỗ bán mà chưa có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm mới cho họ cũng làm cho rừng vẫn tiếp tục bị “chảy máu”, thu hẹp.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, theo chúng tôi còn có nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng mà chúng ta ít đề cập đó là cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm tra, quản lý nguồn gốc, xuất xứ của gỗ nguyên liệu ngay tại các xưởng chế biến gỗ thành phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho rừng tiếp tục bị tàn phá, nhất là các vụ vi phạm lớn.
Thực tế cho thấy địa phương nào làm tốt công tác kiểm tra nguồn gốc gỗ và xử lý các xưởng gỗ sử dụng gỗ lậu, gỗ vi phạm thì lập tức tình trạng phá rừng ở địa phương đó giảm hẳn. Bởi vì, suy cho cùng thì dù đường đi như thế nào, vận chuyển ra sao thì điểm đến cuối cùng của gỗ vi phạm vẫn là các xưởng chế biến gỗ. Đây chính là nơi tiêu thụ, tiếp tay và mang lại nguồn sống chủ yếu cho lâm tặc.
Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân kiếm sống dựa vào rừng tự nhiên và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, các cơ quan chức năng cần làm tốt việc kiểm tra, xử lý đối với các xưởng gỗ tiêu thụ gỗ trái phép, gián tiếp cung cấp tài chính, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.