Chồng ơi là chồng...

Cứ mỗi lần chửi chồng xong là chị lại khóc. Chị khóc cho con và cho mình. Quyết định lấy chồng đã biến đổi cuộc đời chị. Nó đẩy chị vào bể khổ cơm áo gạo tiền.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Chị không đẹp. Người ta vẫn thường nói “hồng nhan bạc phận” nhưng hình như phụ nữ không “hồng nhan” phận còn bạc hơn. Chị cũng khát khao được yêu một ai đó như bạn bè cùng trang lứa nhưng đợi hoài mà vẫn không thấy tìm đến. Cũng có lẽ vì thế mà qua tuổi 30 chị vẫn chưa có mảnh tình vắt vai.

Cách đây bảy năm, sợ mang tiếng “lỡ thì”, chị theo về làm vợ gã. Chị thấy gã hiền lành, cô quạnh một mình mà thương, cũng là thương cho chính bản thân chị. Nhà gã cũng nghèo. 

Ngày về nhà gã chị còn không được mặc áo cô dâu, chiếc áo mà người con gái nào cũng mong được mặc một lần trong đời. Chị không buồn nhiều vì điều ấy bởi chị sống trong cái khổ lâu rồi nên quen. Chị chỉ mơ đến một gia đình nhỏ, một người chồng hiền lành và những đứa con được học hành đến nơi, đến chốn.

Chồng chị không có nghề nghiệp ổn định. Nghề mà gã bám trụ lâu nhất là phụ hồ. Tài sản mà gã có được (hay đúng hơn là ba má gã để lại) là ngôi nhà xiêu vẹo cuối con hẻm. 

Thôi thì… ít ra gã cũng cho chị chỗ che mưa che nắng giữa thành phố chật chội và đắt đỏ này. Chị xem đó là niềm an ủi, là điểm cộng cho gã. 

Mà gã hiền lắm, hiền như cục đất. Ai nói gì thì nói, dù có xúc phạm hắn, động chạm đến cả dòng họ đã yên nghỉ của gã gã cũng chỉ cười cười rồi lủi đi nơi khác. Chị hơi buồn vì điều ấy nhưng rồi nghĩ có lẽ cũng may mắn cho chị vì không vớ phải gã chồng vũ phu.

Từ khi lấy chồng, ngoài giờ làm chị phải lo chuyện hết mọi việc nhà. Ngay cả sửa lại mái nhà giột hay cái bóng điện bị hư cũng một tay chị. Càng ngày bản tính lười biếng và luộm thuộm của gã càng lộ rõ. 

Gã lại hay trốn việc. Không biết đã bao lần chị khóc lóc, khuyên nhủ gã nhưng đâu lại vào đấy. Cứ thế, không biết tự bao giờ chị trở thành trụ cột của gia đình.

Rồi chị có thai, dù biết mình thiếu chất nhưng chị không dám dùng tiền để ăn những thứ mình thích, mình cần. Chồng chị thì vô tư đi nghe ca nhạc, đi uống nước với mấy người bạn để mặc vợ vò võ ở nhà. 

Chị tằn tiện bao nhiêu thì gã phung phí bấy nhiêu. Được chút tiền chị tích cóp gã ném hết vào trọi gà đến cá độ bóng đá. Ngày hai đứa con chào đời cùng một lúc, vai chị oằn thêm gánh nặng món nợ thua độ của gã.

Gã đi làm được bữa đực bữa cái, tiền đưa về cho vợ không bao nhiêu mà lấy trộm tiền vợ đi chơi thì nhiều. Khuyên nhủ, khóc lóc không thay đổi được gì chị đành phải gửi con cho người ta rồi lại nai lưng ra kiếm tiền. 

Chị làm tất cả mọi việc được thuê, từ nấu ăn, rửa bát đến phụ hồ. Cả ngày vất vả, về đến nhà chị tức đến nghẹn cổ khi thấy con khóc, nhà cửa bề bộn, quần áo chưa giặt còn gã chồng say sưa ngủ dưới nền nhà. “Tức nước vỡ bờ” từ một người vợ hiền lành chị trở nên chua ngoa, đanh đá. 

Chị chửi gã rồi tự nguyền rủa mình khờ dại ôm vào người hết cái khổ này đến cái khổ khác. Đêm nào chị cũng chửi, cũng gào khóc, rồi sáng sớm lại thức dậy với hang tá công việc. Xong xuôi chị đi làm cho tới tối mịt mới về. Ngày nào cũng điệp khúc ấy…

Người dân ở khu đó đã quá quen với tiếng chửi của chị hằng đêm. Tiếng khóc than của chị, của mấy đứa nhỏ khiến ai cũng lắc đầu nghao nghán. Có người hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của chị nhưng cũng có người chê trách người đàn bà chua ngoa và gã chồng bạc bẽo.

Nào phải đâu kiếp trước chị nợ hắn hay bởi kiếp trước chị đã làm gì ác nên kiếp này mãi không có được giây phút thảnh thơi, phải gánh trên vai nỗi lo cơm áo gạo tiền, có chồng mà còn khổ hơn không có… Nhưng chị không thể bỏ hắn. 

Không nhà, không ai thân thích thì hai đứa con chị yêu hơn mạng sống sẽ ra sao nếu chị bỏ hắn? Chị vẫn sống như thế bên gã chồng hèn, vô dụng. Cái dáng khắc khổ vẫn đều đặn đi về mỗi ngày và đêm đêm, tiếng chửi lại vang lên trong căn nhà xiêu vẹo cuối con hẻm.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ