Ở nước ta, tuy chưa thống kê cụ thể về hiện tượng này, nhưng hình ảnh người đàn ông xách làn đi chợ, đưa đón con đi học hàng ngày hay ở nhà cơm nước cho vợ đi làm không phải hiếm.
Tuy nhiên, khi kê khai nghề nghiệp, hiếm có người đàn ông nào tự nhận công việc hiện tại của mình là nội trợ, trong khi phụ nữ khai như thế lại là chuyện bình thường.
Nhưng, xã hội đã đổi thay, ngày càng có nhiều ngành nghề không dựa trên sức mạnh cơ bắp nên phụ nữ hoàn toàn có thể đua tranh với nam giới. Xét trên bình diện kinh tế, nếu hai vợ chồng mà một người đi làm, một người phải ở nhà nội trợ thì tất nhiên người có thu nhập cao hơn đi làm sẽ có lợi hơn.
Tuy nhiên, để thay đổi một quan niệm đã tồn tại lâu đời không hề đơn giản, và bao giờ cũng phải có những người đi đầu. Hiện nay, họ còn là số ít nhưng có thể một ngày nào đó họ sẽ trở thành số đông trong xã hội, chuyện đàn ông ở nhà nội trợ sẽ bình thường như đàn bà nội trợ để chồng đi làm.
Vấn đề là làm sao thay đổi được quan niệm cố hữu trong đầu chúng ta, để việc đàn ông vào bếp không bị xem là nghịch cảnh”. Dưới đây là tâm sự của một số ông chồng đi tiên phong.
Chuyện thứ nhất
Anh Hoàng Quân - 37 tuổi, giáo viên thể dục - chia sẻ: "Tôi đã đi đến quyết định ở nhà vì tình yêu, vì vợ và hai cô “công chúa”. 8 năm trước, chúng tôi đến với nhau, cô ấy là giáo viên tiếng Anh dạy cùng trường với tôi. Chúng tôi kết hôn 3 năm mà vẫn chưa có con. Đến năm thứ tư thì vợ tôi có thai, bác sĩ cho biết là sẽ sinh đôi.
Chúng tôi vừa mừng vừa lo, vì cha mẹ hai bên đều già yếu và ở xa, không thể giúp trông cháu được. Khi vợ tôi hết thời gian nghỉ hộ sản, chúng tôi buộc phải thuê người giúp việc, kinh tế trở nên eo hẹp.
Lúc các cháu được hai tuổi rưỡi, chúng tôi bàn đi tính lại và tôi quyết định nghỉ việc ở nhà trông con, cơm nước cho vợ đi làm. Hai cô nhóc đã được bố chăm sóc chu đáo.
Chiều chiều, tôi tắm cho con, chuẩn bị cơm nước đợi vợ về. Vợ tôi nhìn cảnh ba bố con tươi vui, sạch sẽ, cơm nước sẵn sàng, nhà cửa gọn ghẽ nên luôn khen ngợi, động viên tôi. Tôi biết là mình đã quyết định đúng.
Giờ các cháu 4 tuổi, đi mẫu giáo, tôi có thời gian lên mạng đọc báo, thỉnh thoảng sang hàng xóm đánh cờ với ông bạn cùng cảnh. Tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc.
Thật ra, để làm một người đàn ông nội trợ không đơn giản chút nào. Ngay cả các con tôi cũng hỏi: “Sao bố không đi làm như bố các bạn khác?”. Tôi chỉ cười:”Bố cũng đi làm như mẹ thì ai đưa đón các con?”.
Tôi tin xã hội sẽ thay đổi quan niệm. Bây giờ những ông chồng làm việc nhà như tôi còn hiếm, nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ nhiều lên và tôi đang ở hàng ngũ những người đi đầu. Giống như trong đội bóng, nếu ai cũng chỉ thích xông lên hàng tiền đạo, khung thành bỏ ngỏ thì càng đá càng thua.
Chúng ta vẫn hô hào “giải phóng phụ nữ”, khuyến khích chị em đua tranh ngoài xã hội, nhưng nếu đàn ông không chịu làm việc nhà thay thì ai sẽ làm?".
Chuyện thứ hai
Nếu bạn nghĩ chỉ những ông chồng đã nghỉ hưu hay ốm yếu hoặc thất nghiệp mới ở nhà nội trợ thì bạn đã lầm. Anh Trần Quang - 43 tuổi, từng làm quản lý ở một công ty cổ phần. Thuở nhỏ, anh có thiệt thòi là bố luôn công tác xa nhà, có khi hàng năm không gặp mặt con.
Thấy những đứa trẻ khác có bố đưa đón hàng ngày, anh thèm lắm. Giờ, nghỉ việc ở nhà với con và làm nội trợ là một niềm vui đối với anh.
Anh nói: “Đối với tôi, không có gì quan trọng hơn làm bố. Chăm sóc con là được tắm rửa, mặc quần áo, chuẩn bị bữa ăn cho con, đưa đón con đi học.
Tôi tìm thấy những niềm vui mà trước đây mình không có. Khi con hai tuổi rưỡi đi nhà trẻ, mỗi ngày tôi có mấy giờ nhàn rỗi. Tôi mơ viết văn, làm thơ từ nhỏ, bây giờ mới có điều kiện.
Tuy nhiên, tôi không muốn để con xem tôi như mẹ của nó. Tôi luôn là một ông bố biết chơi đùa với con nhưng cũng biết nghiêm khắc".
Ở nhiều nước phát triển, có thể chỉ một trong hai vợ chồng đi làm là đủ nuôi cả gia đình. Việc một người ở nhà làm nội trợ là giải pháp của không ít gia đình. Vấn đề là ai giữ “gôn”, "ai đá tiền đạo"?
Trước hết là phải hợp với mong muốn của mỗi người. Có những phụ nữ đảm đương những trọng trách ngoài xã hội, họ có niềm đam mê công việc và rất mong có một người chồng quán xuyến việc nhà giúp mình. Nếu người chồng thực lòng yêu vợ, tự nguyện lo toan và điều đó cũng phù hợp với mong muốn của anh ấy thì tại sao lại ngại ngùng?
Tại sao khi hoàn cảnh xã hội đã đổi thay, nam nữ bình đẳng về mọi phương diện thì chúng ta vẫn mặc định đàn ông sinh ra là để đi làm, đàn bà dù có tài giỏi hay có thu nhập cao hơn vẫn phải lo quán xuyến việc nhà, không để chồng nấu cơm, rửa bát?
Sao lại cho như thế là làm những việc không đáng mặt đàn ông, có người còn gọi là “đàn ông mặc váy”? Nếu cứ suy nghĩ như vậy, bao giờ mới đạt được bình đẳng giới?
Các nghiên cứu còn cho thấy, đàn ông ở nhà ít cảm thấy cô đơn như đàn bà, vì họ có nhiều thú vui và bạn bè hơn. Cảnh các “ông nội trợ” rủ nhau đi chợ, tụ tập uống cà phê, xem bóng đá rồi canh giờ dọn dẹp nhà cửa, đón con, làm bữa cơm... đợi vợ, có thể sẽ là hình ảnh phổ biến được nhiều người ngưỡng mộ trong tương lai không xa.