Chồng ngoại tình, tôi có nên giao con con cho anh nuôi sau khi ly hôn?

GD&TĐ - Hệ lụy của ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến bố mẹ mà còn tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần về lâu dài của con nếu người lớn không ứng xử khéo.

Đôi khi việc các con sợ hãi không phải là không còn được sống cùng cha, mẹ mà nỗi sợ lớn nhất là gia đình không hạnh phúc.
Đôi khi việc các con sợ hãi không phải là không còn được sống cùng cha, mẹ mà nỗi sợ lớn nhất là gia đình không hạnh phúc.

Chồng mình có người thứ ba và mình phát hiện ra họ sống chung hơn 1 năm nay. Khi phát hiện ra, mình cũng đã nói chuyện với chồng và thay đổi bản thân để chồng tự quay về nhưng anh lại muốn có cả vợ và bồ.

Bây giờ, mình không chấp nhận nữa và mình có nói là có thể chịu khổ, vất vả với chồng nhưng không chấp nhận cảnh chung chồng nữa.

Hiện nay kinh tế hiện tại mình đủ sức nuôi hai bạn nhỏ nhưng vì hai bạn là con trai, nên mình đang bị lăn tăn giữa việc li hôn mình sẽ nuôi cả hai hay để chồng nuôi cả hai. Vì mình không muốn chia rẽ tình cảm của hai con.

Hãy cho mình lời khuyên tốt nhất. Cảm ơn chuyên gia tâm lý nhiều!

Chuyên gia tâm lý Thiên Bình giải đáp

Bạn thân mến!

Khi người đó đi ngoại tình nhưng không lựa chọn quay về vun đắp cho gia đình, và bạn đã cố gắng để thay đổi, hàn gắn, kết nối nhưng vẫn không tìm được mục tiêu chung thì lựa chọn sống thế nào và bước tiếp ra sao nằm ở chính bạn.

Bạn đã lựa chọn không chấp nhận được việc người đó duy trì mối quan hệ hai bên, vậy hãy đặt mục tiêu dù lựa chọn thế nào ta vẫn cư xử tử tế và văn minh với nhau đến cùng. Nếu họ không lựa chọn điều này, bạn vẫn cần chọn cho mình vì ít nhất nó giúp ta không gây thêm tổn thương cho các thành viên khác hay tạo ra những nhân xấu cho chính mình.

Cư xử tử tế là bạn hãy lắng nghe và hiểu những mong muốn, khó khăn của người ấy để đồng thuận một cách thuận tiện nhất cho hai bên. Nó còn là việc bạn không tiếp tục chỉ trích, oán trách, đổ lỗi cho nhau về sự đổ vỡ của gia đình.

Hãy làm điều tốt đẹp nhất ta có thể để giúp cho họ và bản thân mình được bình an, hạnh phúc. Nói đơn giản, khi không còn chung sống, đôi bên hãy nhận lại và xây dựng lại một đời sống tốt đẹp, tích cực mỗi người cần có.

Biến cố ngoại tình sẽ mang đến những tổn thương ít nhiều cho tất cả các thành viên trong gia đình. Dù cha mẹ có cố gắng để cư xử bình thường trước mặt các con, nhưng con trẻ vẫn cảm nhận được sự thay đổi trong tình cảm và khoảng cách trong mối quan hệ của cha mẹ.

Do vậy, cách bạn thông báo, giải thích, thấu hiểu và hướng dẫn cảm xúc cho các con sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cho con bớt buồn chán và tổn thương khi cha mẹ lựa chọn ly hôn.

Hãy thông báo tới các con về quyết định của cha mẹ một cách nhẹ nhàng, thẳng thắn. Cần tránh việc người này nói xấu hay đổi lỗi cho người kia trước các con, hãy nói sự thật về việc cha mẹ sẽ không chung sống nữa do không cùng quan điểm trong nhiều vấn đề, nhưng có một điều không thay đổi đó là tình yêu thương của cha, mẹ dành cho các con.

Bạn hãy để mình thật bình tĩnh, bình an và tương đối tích cực khi chia sẻ điều này cho các con. Nhìn chung, thông điệp cần truyền đạt tới con có thể là: Cha mẹ ly hôn là sự thay đổi trong cách sinh hoạt và hình thái của mối quan hệ, nhưng cha, mẹ vẫn luôn là cha, mẹ, luôn yêu thương và giúp đỡ khi các con cần.

Việc bạn băn khoăn có nên tách các con ra hay để một người nuôi cả hai bạn, điều này để có lựa chọn tốt nhất cần cân nhắc các yếu tố về kinh tế, sự thuận tiện trong sinh hoạt, đi học của các con, sự kết nối của các con với cha hay mẹ thân thiết, thấu hiểu và tốt hơn, và quan trọng là cân nhắc mong muốn của các con.

Nếu các con đã đủ lớn hay có khả năng nhận ra mong muốn của mình, bạn hãy lắng nghe các con.

Việc các con được ở cùng nhau là điều tốt và nếu đạt được sự thống nhất giữa cha mẹ và các con thì đó sẽ là lựa chọn tốt để các con tiếp tục được đồng hành cùng nhau.

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, đôi khi quan trọng không nằm ở việc ai nuôi bé nào, mà quan trọng là ai có thể giúp các con hạnh phúc và vui vẻ hơn.

Cha, mẹ đều phải trở nên bình an, nhẹ nhàng, và quan tâm các con dù biến cố xảy ra thế nào thì các con mới có thể hạnh phúc. Ta không thể kỳ vọng việc chỉ cung cấp cho các con nơi ăn chốn ở, điều kiện vật chất và để chúng tự loay hoay với tổn thương tinh thần của mình.

Trẻ em có khả năng tự chữa lành và vượt qua tổn thương tốt hơn chúng ta khi chúng nhận được sự thấu hiểu và hướng dẫn phù hợp từ người lớn. Đôi khi việc các con sợ hãi không phải là không còn được sống cùng cha, cùng mẹ, hay cùng nhau, mà nỗi sợ lớn nhất nằm ở việc cả gia đình không ai vui vẻ, hạnh phúc để bình an, đối xử tử tế với nhau được nữa.

Do vậy, điều cốt yếu vẫn là cha mẹ học cách giải quyết các vấn đề của mình trong bình an, hòa thuận, cha mẹ chữa lành cho cảm xúc của mình, để những gì dành cho con là những gì tích cực, tốt đẹp nhất về tinh thần.

Hãy chia sẻ quan điểm và mong muốn của bạn trong việc nuôi dạy và đồng hành cùng các con với người đó. Và hãy hiểu rằng, đôi khi cần một thời gian đủ dài để các thành viên thích nghi và ổn định với thay đổi sau biến cố.

Bạn luôn có thể thay đổi và điều chỉnh khi thấy lựa chọn nào đó chưa phù hợp. Tức là, nếu việc sắp xếp nuôi các con sau một thời gian chưa hợp lý, bạn có thể điều chỉnh. Chỉ cần giữ vững mục tiêu cho các con một cuộc sống được thấu hiểu, yêu thương, quan tâm từ cả cha và mẹ, bạn sẽ biết cách cân bằng những điều kiện của cả hai bên để lựa chọn tốt nhất.

Chúc bạn luôn tìm được bình an và hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.