Chống ma túy qua đường chuyển phát nhanh: Người dân là 'tai, mắt'

GD&TĐ - Qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra các vụ án thời gian qua cho thấy, lượng lớn ma túy tuồn vào Việt Nam qua con đường chuyển phát nhanh.

Hình ảnh tang vật - ma túy qua đường chuyển phát nhanh.
Hình ảnh tang vật - ma túy qua đường chuyển phát nhanh.

Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Cảnh sát ma túy (Công an TP Hà Nội) cùng Hải quan và các lực lượng chức năng bắt giữ 46 người, giải quyết 21 vụ việc, thu giữ hơn 1 tấn ma túy. Đáng nói, số ma túy này chủ yếu vận chuyển, thông qua dịch vụ chuyển phát, bưu chính…

“Đường đi” của ma túy

Ngày 22/9, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy, cảnh báo, nhận diện phương thức thủ đoạn tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính cho gần 400 cán bộ, nhân viên Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS.

Theo Công an Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát ma túy cùng Hải quan và các lực lượng chức năng bắt giữ 46 người, giải quyết 21 vụ việc, thu giữ hơn 1.005,198 kg (hơn 1 tấn) ma túy. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 2 vụ, 7 người bị bắt giữ và tăng 245,979 kg ma túy.

Đáng nói, số ma túy này chủ yếu vận chuyển, thông qua dịch vụ chuyển phát, bưu chính trong nước, bọn tội phạm lợi dụng dịch vụ để vận chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Trong các năm qua, Công an TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Hà Nội, sự hỗ trợ tích cực từ các công ty chuyển phát bưu chính, vận tải hàng hóa đã điều tra khám phá được nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn ma túy.

Tuy nhiên với thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, thay đổi liên tục phương thức hoạt động, dẫn tới công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) cho biết, trung bình hàng năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp nhận khoảng 620.000 tấn hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam; Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS vận chuyển khoảng trên 800.000 tấn hàng hóa được các khách hàng đặt vận chuyển trong nước, bao gồm cả số hàng hóa từ nước ngoài về được vận chuyển trong nội địa.

Qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra, khám phá các vụ án thời gian qua cho thấy, ma túy vẫn được tuồn vào Việt Nam qua con đường chuyển phát nhanh.

chong ma tuy qua duong chuyen phat nhanh nguoi dan la tai mat (1).jpg
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) vạch rõ thủ đoạn tội phạm ma túy.

Tăng kiểm tra, giám sát

Bà Đỗ Thị Phượng, Phó Trưởng ban Nghiệp vụ chất lượng, Tổng Công ty cổ phần chuyển phát nhanh EMS cho biết, đơn vị thực hiện 4 công đoạn của dịch vụ chuyển phát nhanh (thu gom, chấp nhận, khai thác và chuyển phát).

Cụ thể, với hình thức chấp nhận hiện tại có 2 hình thức: Chấp nhận tại bưu cục (khách hàng mang bưu kiện ra gửi) và thu gom (bưu tá thực hiện thu gom tại địa chỉ khách hàng có nhu cầu).

Theo bà Phượng, dịch vụ chuyển phát nhanh hiện tại thì cũng đang thực hiện theo Luật Bưu chính. Tại công đoạn nhận gửi phải yêu cầu kiểm tra nội dung gửi trước khi nhận gửi.

“Nhân viên bưu cục giao dịch thực hiện kiểm tra nội dung khi gửi để cùng khách hàng gói bọc, và kê khai nội dung người gửi - nhận cũng như nội dung chi tiết trên gói kiện khi chấp nhận...”, bà Phượng thông tin.

Đối với hình thức thu gom và địa chỉ người gửi theo yêu cầu thì nhân viên thu gom sẽ đến thu gom tại địa chỉ khách hàng, nhân viên cũng sẽ thực hiện cùng với khách hàng kiểm tra.

Ngoài ra, đối với khách hàng lớn có ký hợp đồng với Tổng Công ty chuyển phát nhanh EMS, thì trong điều khoản hợp đồng của khách hàng cũng sẽ có nội dung ràng buộc là khách hàng phải chịu trách nhiệm về nội dung hàng và tính chất pháp lý của khách hàng gửi theo quy định.

Để tăng cường hơn nữa việc nhận diện phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy nói chung, tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng, thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp kiểm tra giám sát.

chong ma tuy qua duong chuyen phat nhanh nguoi dan la tai mat (4).JPG
Bà Đỗ Thị Phượng - Phó Trưởng ban Nghiệp vụ chất lượng, Tổng Công ty cổ phần chuyển phát nhanh EMS.

Theo đó, Công an TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo Tổng Công ty bưu điện Việt Nam - Vietnam Post, lãnh đạo Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS quan tâm hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra hàng hóa ký gửi cho cán bộ, nhân viên.

Đồng thời đảm bảo cán bộ, nhân viên chấp hành quy trình của việc nhận, ký, gửi hàng hóa theo đúng quy định tại khoản 3, khoản 9 Điều 29 Luật Bưu chính “kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận”, “từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định tại Điều 12 Luật Bưu chính và quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp”.

Ngoài ra, yêu cầu khách hàng gửi và khách hàng nhận hàng phải xuất trình giấy tờ tùy thân... Nhân viên thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm soát hàng hóa cần nâng cao nhận thức, ý thức, cảnh giác và vận dụng kinh nghiệm để kịp thời phát hiện hàng hóa có mang hàng cấm (là ma túy), thông tin khẩn trương cho lực lượng công an.

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát, bưu chính để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng cấm, trong đó có ma túy.

“Cần xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách sâu rộng tại mỗi địa bàn, mỗi hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, mỗi người dân... Qua đó, để nhân dân trở thành cánh tay đắc lực của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và tệ nạn ma túy”, lãnh đạo Công an Hà Nội nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ