Chống gian dối nhìn từ dừng tuyển sinh 207 ngành

Bộ GD&ĐT quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH, chống gian dối nhập nhèm trong đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết. 

Chống gian dối nhìn từ dừng tuyển sinh 207 ngành

GS Hoàng Tụy mới đây có nói rằng gian dối khoa học cũng cùng một loại bệnh như tham nhũng. Điều này đúng y chang trong GD&ĐT. Cho nên việc Bộ GD&ĐT quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH, chống gian dối nhập nhèm trong đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết. Bộ cần quyết liệt ngay từ sớm để căn bệnh này không di căn đến độ không kiểm soát nổi.

Nhầm lẫn hay cố tình ngụy biện?

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khá linh hoạt trong vận dụng các quy định với các ngành đào tạo đặc thù, nhất là khối nghệ thuật, quy định mỗi ngành phải có ít nhất một người có trình độ tiến sĩ đúng ngành, song linh động cho phép ngành nghệ thuật có thể sử dụng tiến sĩ có chuyên ngành/ có công trình nghiên cứu gần gũi nhất. Tuy nhiên lãnh đạo một số trường nghệ thuật vẫn lấy cớ ngành đặc thù để đòi hỏi ngoại lệ, phê Bộ máy móc, duy ý chí…

Có nghệ sĩ cho rằng, đào tạo ra những đạo diễn tên tuổi hiện nay là những người thầy đạo diễn với những bộ phim để đời trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, họ đâu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Thực ra các ngành đào tạo nghệ thuật, việc các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia dạy nghề là hết sức bình thường. 

Sở dĩ Thông tư 08 quy định mỗi ngành đào tạo ĐH phải có 1 giảng viên trình độ tiến sĩ là để đảm bảo về năng lực nghiên cứu cho sự phát triển bền vững của ngành. Năng lực này khác với sự uyên bác trong nghề của các nghệ nhân. 

Không rõ vì nhầm lẫn khái niệm hay cố tình đánh tráo, có người "đòi” phải phong cho các cụ Dịu Hương, Mạnh Tuấn, cả Tam của chèo; Quách Thị Hồ của ca trù; Hà Thị Cầu của hát xẩm, hay một số nghệ nhân quan họ… thành tiến sĩ từ lâu, vì họ giỏi nghề và nhiều học trò (!). 

Dù số lượng tiến sĩ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay còn hạn chế, nhưng nếu  vin vào đó mà cho rằng không cần tiến sĩ đào tạo trong các trường ĐH này là ngụy biện. GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) hoàn toàn có lý khi nhìn nhận đào tạo văn hóa nghệ thuật gồm có cả dạy nghề và dạy nghiên cứu. 

Vấn  đề quan trọng là cần phân biệt rõ  2 mục tiêu đào tạo này. "Nếu đào tạo nghiên cứu như lý luận văn hóa, quản lý văn hóa, lịch sử nghệ thuật..., giảng viên ĐH cần đủ chuẩn trình độ để giảng dạy như quy định chung với các ngành. 

Còn những ngành đào tạo nghề cần nhiều kinh nghiệm thực tế và kỹ năng nghề nghiệp thì phải xếp vào loại trường dạy nghề và có thể sử dụng đội ngũ giảng viên là những nghệ sĩ, nghệ nhân theo chuẩn của trường dạy nghề”.

Muốn bảo đảm chất lượng đào tạo đại học, không còn cách nào khác, phải tiến dần đến sự chuyên môn hóa. Cũng là ngụy biện khi kêu rằng tiến sĩ, thạc sĩ hiện nay trình độ còn thua xa cả cử nhân xưa. Đây là một lĩnh vực khác và không thể vì TS chất lượng xoàng thì đào tạo ĐH chỉ cần "cơm chấm cơm”. 

Vì vậy cũng không thể linh động quy định riêng cho ĐH khối ngành nghệ thuật chưa có đủ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể sử dụng "quy đổi” nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân thay thế, như có vị hiệu trưởng một trường nghệ thuật đề xuất. 

"Nếu một ngành đào tạo mà không có nổi một tiến sĩ thì rất khó thuyết phục xã hội. Cần hiểu là với đào tạo nghệ thuật, Bộ đã rất linh động, nhưng chúng ta phải bảo đảm những yêu cầu tối thiểu”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh. 

Sẽ không có chuyện "cam làm quýt chịu”

Công bằng mà nói, "gian dối mở ngành” không hoàn toàn chỉ là vấn đề ý thức đạo đức đào tạo xuống cấp. Có thể còn do thói quen "đánh bùn sang ao” nhập nhèm trách nhiệm. Nhiều người biết rõ hành vi thương mại hóa đào tạo bất chấp chất lượng xấu xa như tham nhũng, nhưng bình thản thực thi vì nghĩ rằng nhiều cơ sở khác cũng như vậy "có sao đâu”. 

Việc Bộ GD-ĐT ra quyết  định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường ĐH và dừng cả 296 ngành đào tạo cao đẳng trong 74 trường ĐH là giúp người học hưởng lợi, chứ không phải "người học lãnh đủ”, bởi người học vẫn học tiếp bình thường. Khi Bộ GD-ĐT có thể kiểm soát được danh sách, số liệu giảng viên cơ hữu của tất cả các trường, sự nhập nhằng giảng viên cơ hữu – thỉnh giảng sẽ không thể diễn tiếp. 

Sẽ không có chuyện "cam làm quýt chịu” - quy kết khơi khơi rằng trước đây thiếu điều kiện giảng viên Bộ GD&ĐT vẫn cho mở ngành tức là Bộ tiêu cực. Sau một thời gian mở ngành đi vào đào tạo, đội ngũ giảng viên mới biến động thiếu hụt như nghỉ hưu, chuyển công tác. Các trường không liên tục phát triển, bổ sung đội ngũ giảng viên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo sẽ phải "dừng tuyển”. 

Bộ cũng đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp một giảng viên có thể đồng thời đăng ký là giảng viên cơ hữu của nhiều cơ sở đào tạo, các cơ sở mượn tên tuổi giảng viên của trường khác để đưa vào danh sách của mình.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ  trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, việc rà soát, đánh giá các ngành, Bộ dựa vào báo cáo của chính các trường, kết hợp với Bộ tiến hành kiểm tra một số cơ sở đào tạo có số liệu báo cáo không bình thường, kiểm tra ngẫu nhiên một số trường. 

Dù sao, muốn bảo vệ liêm khiết đào tạo lâu dài, cần tôn trọng những chuẩn mực để công bố công khai cơ sở dữ liệu đội ngũ giảng viên cơ hữu của các nhà trường, gồm đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học... 

Đáng chú ý, những ngành bị dừng tuyển sinh lẽ ra không chỉ dừng ở con số 207 bởi Bộ GD-ĐT cũng đã thông báo danh sách những ngành chưa đáp ứng điều kiện giảng viên nhưng thuộc diện đặc biệt, sẽ được xử lý riêng, đó là 47 ngành thuộc 10 cơ sở đào tạo ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; 70 ngành thuộc nhóm ngành ngoại ngữ, nghệ thuật... 

Trong số những ngành năng khiếu không được xếp vào nhóm ưu tiên này có 15 ngành của ĐH Sân khấu - Điện ảnh, các ngành sư phạm mỹ thuật và thanh nhạc của ĐH Sài Gòn…

Bộ GD&ĐT cần sớm công khai dữ liệu nói trên, yêu cầu các nhà trường phải công khai hóa, thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ cũng như những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khác. Công khai để các cơ quan quản lý nhà nước giám sát và xã hội tham gia giám sát.

Theo Đại Đoàn Kết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ