Chống dịch qua… loa

GD&TĐ - Khánh Hòa là tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 lâu nhất kể từ khi dịch bùng phát đợt 4 tại các tỉnh miền Trung.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay ngày giãn cách đầu tiên, hệ thống loa truyền thanh, nhất là ở thành phố Nha Trang mở hết công suất, liên tu bất tận, hết ngày sang đêm. Nội dung là phát thanh viên đọc các chỉ thị của chính quyền các cấp cùng các quy định của ngành Y tế và Ban phòng chống dịch.

Mới nghe vài hôm đầu thì được, nhưng qua tuần thứ 2, rồi qua tháng thứ… 3 vẫn cứ một điệp khúc “mọi người không được ra khỏi nhà”, và “nếu thấy sốt trên 38 độ, hoặc ho, khó thở… thì phải báo ngay cho y tế phường”, rồi thì “nếu không chấp hành nghiêm, ai ra đường không có lý do thì sẽ bị phạt tiền từ triệu nọ đến triệu kia”… thì vô cùng ngán ngẩm.

Ngày nào cũng như ngày nào, mở mắt ra là nghe những âm thành cũ rích ấy cứ giã vào tai mình, trong khi chẳng được ra khỏi nhà nhiều tháng liền, tù túng đến cùng cực… thì liệu cách tuyên truyền qua cái loa kia có hiệu quả không? Chắc chắn là không, mà còn tác dụng ngược nữa.

Bây giờ, người dân có rất nhiều cách để tiếp cận thông tin, nhất là những quy định của Nhà nước và ngành Y tế trong việc phòng chống dịch. Những thông tin được phát qua loa như đã nói trên, nó chỉ có ý nghĩa một vài lần đầu tiên mà thôi.

Cái mà người dân đang rất cần hiện nay là: Tình hình kiểm soát dịch hằng ngày của tỉnh, thành phố như thế nào, trong đó rất cần thông tin cụ thể về số ca mắc, số bệnh nhân nặng, kể cả những trường hợp tử vong.

Đừng nghĩ rằng, người dân nghe những thông tin như vậy thì hoảng loạn thêm. Họ sẽ tìm cách để biết những thông tin họ cần theo những kênh phi chính thống. Đôi khi nguồn tin ấy lại làm méo mó tình hình chống dịch.

Điều người dân cần tiếp theo là nên thông báo thời gian và địa điểm tiêm vắc-xin, phường nào, tổ nào, đối tượng nào sẽ được tiêm trong đợt này, khu phố nào thì đến điểm tiêm lúc mấy giờ để tránh tình trạng dồn cục dễ lây lan dịch. Cũng cần nói cho dân biết là tiêm đợt này là loại vắc-xin nào, do nước nào sản xuất… để người dân có sự lựa chọn trước khi đến địa điểm tiêm.

Một điều nữa cũng rất cần được thông báo qua hệ thống loa truyền thanh, đó là địa điểm bán các loại lương thực, thực phẩm cần thiết, thậm chí nói luôn ngày, giờ sẽ bán cho khu phố nào, tổ dân phố nào.

Đối với những khu phố, xã phường áp dụng Chỉ thị 16 “triệt để”, tức là cấm tất cả mọi người không được ra khỏi nhà, chính quyền ở những nơi đó hình thành các “tổ đi chợ giúp dân” thì cũng nên cho dân biết nếu cần thì sẽ gọi cho ai, theo số điện thoại nào…

Tất cả những việc cần thiết kể trên, lẽ ra các loa truyền thanh nên dành thời lượng để thông báo cho dân biết mà áp dụng vì nó thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình chứ không phải là những thông tin cũ mòn mà suốt ngày vẫn cứ lặp đi lặp như thế.

Chống dịch cũng cần qua những cái loa công cộng nhưng cách làm của nhiều nơi như đã dẫn trên đây thì đúng là làm theo kiểu “qua loa đại khái”, nó chả hiệu quả gì mấy, mà còn rước thêm sự bực bội cho người nghe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh