Tầm quan trọng, sự cấp bách của công tác phòng chống dịch, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là nếu để chậm trễ hậu quả sẽ “vô cùng thảm khốc”.Chính ông đã lo lắng đến mức phải đề xuất phương án đưa lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong công tác chống dịch, tiêu hủy lợn bệnh. Đề xuất này cũng được các cấp, ngành địa phương bày tỏ sự đồng tình.
Có thể thấy, việc đề nghị đưa các lực lượng công an, quân đội ở địa phương vào phòng, chống DTLCP lúc này là vô cùng cần thiết. Đây là lực lượng đông đảo, có sức khỏe, được đào tạo chuyên nghiệp và đặc biệt có tính kỉ luật cao, nhất là trong những việc mang tính phối hợp tập thể. Xưa nay, lực lượng vũ trang thường tham gia những nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, chống thù trong giặc ngoài. Đề xuất đưa lực lượng vũ trang vào chống DTLCP cho thấy các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã coi trọng việc chống dịch như... chống giặc.
Tuy vậy, công bằng mà nói cũng phải nhìn nhận, trước khi để xảy ra tình trạng DTLCP hoành hành khắp 29 tỉnh, thành phố trên cả nước thì ngành nông nghiệp ở các địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân vì sao có những địa phương đã dập được những ổ dịch trên 30 ngày nhưng lại tiếp tục bùng phát ổ dịch mới ở cùng địa bàn? Nghiêm trọng hơn, trong đợt kiểm tra mới đây, chính người đứng đầu ngành nông nghiệp còn sững sờ khi lợn dịch chết được thả trôi sông, trôi trên kênh rạch. Nguồn bệnh dịch được phát tán không chỉ qua khâu vận chuyển giết mổ mà qua chính sự tắc trách của các cơ quan hữu quan ở địa phương.
Bệnh dịch được nhận định là có khả năng lây lan sang cả các địa phương chưa có dịch. Nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Như vậy, điều lo ngại về sự thiệt hại sẽ “vô cùng thảm khốc”, không chỉ về kinh tế mà còn đe dọa một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là hoàn toàn có cơ sở.
Còn nhớ, cách đây không lâu, một người phụ nữ mang bánh có nhân thịt lợn nhập cảnh vào Đài Loan (Trung Quốc) đã bị giữ lại sân bay. Người phụ nữ này sau đó đã phải nộp phạt một khoản tiền rất lớn và bị trục xuất. Dẫn ra ví dụ để thấy các quốc gia trong khu vực rất coi trọng việc xử lý nghiêm minh vi phạm liên quan đến DTLCP và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan của họ trong phòng chống dịch. Ở ta, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa thực sự nhuần nhuyễn, đâu đó vẫn có những sự tắc trách, thiếu trách nhiệm trong xử lý dịch bệnh với những lý do như thiếu kinh phí hay hết đất chôn lấp xác lợn nhiễm bệnh...
Thủ tướng Chính phủ nói dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để DTLCP lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, hiện vẫn chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm khi bệnh DTLCP đang hoành hành gần như khắp các vùng trọng điểm nuôi lợn. Mong rằng, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương sớm bắt tay vào việc một cách quyết liệt không để tình trạng trên thì “nóng” mà dưới vẫn “lạnh băng”.