Với tầm quan trọng, cấp bách của công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị lực lượng quân đội, công an ở địa phương phải là lực lượng nòng cốt.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của DTLCP, sáng 13/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống DTLCP đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố để bàn biện pháp đối phó.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, đến ngày 12/5, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng hơn 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng lo ngại, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống DTLCP, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp. Bệnh dịch có khả năng lây lan sang cả các địa phương chưa có dịch.
Đặc biệt, nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo ba hướng: Tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được, dịch lan rộng sang các vùng chưa bị và phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn. Nếu để xảy ra trường hợp kịch bản như vậy thì thiệt hại sẽ “vô cùng thảm khốc”, không chỉ về kinh tế mà còn đe dọa một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
“Thủ tướng Chính phủ đã nói dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để DTLCP lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu hủy bảo đảm đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị.
Tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thái Bình, Đồng Nai, Thanh Hóa... công tác chủ động các giải pháp ứng phó dịch được đề cao. Đặc biệt, tại TPHCM, sau khi dịch xuất hiện ở Đồng Nai, thành phố đã tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành và lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, một số đầu mối giao thông.
Đồng thời, Sở Công Thương thành phố đã làm việc với các tỉnh Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập lợn từ vùng dịch và ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố. Theo phản ánh, khó khăn lớn nhất của các địa phương chủ yếu vẫn là về kinh phí hỗ trợ tiêu hủy. Nhiều tỉnh, thành phố bị vượt gấp nhiều lần ngân sách dự phòng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh DTLCP đang diễn biến rất nghiêm trọng, các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm. Ông cho rằng, việc hỗ trợ người dân chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nên chưa khuyến khích người dân tích cực phòng chống dịch.
Trước thông tin về tình trạng xác lợn chết trôi trên kênh hay có địa phương không còn chỗ chôn lợn bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành kiểm tra và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.