Chống dịch cực đoan

GD&TĐ - Trong cuộc giao ban Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nêu hiện tượng một số tỉnh, thành ra hàng loạt văn bản chả khác gì “ngăn sông cấm chợ” trong chống dịch Covid-19.

Ông gọi đó là “chống dịch cực đoan”.

Chưa đợi đến những cảnh báo từ người đứng đầu Chính phủ về hiện tượng này, các tỉnh đã vội vàng thu hồi quyết định vừa ban hành vì vấp phải sự phản ứng từ người dân lẫn chính quyền các địa phương lân cận đang có dịch. Rút lại các quyết định vừa mới ban ra là một cách “sửa sai” cần thiết vậy.

Chẳng hạn như tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định, trong đó có mục quy định đối với những người từ TPHCM về/đến Đồng Nai đều phải tự cách ly 21 ngày. Quyết định cực đoan này vấp phải sự phản ứng của các doanh nghiệp và hàng chục ngàn công nhân có nhà ở TPHCM nhưng làm việc trong các nhà máy và cơ quan ở Đồng Nai.

Quy định cách ly “cực đoan” như thế khác nào “cấm cửa” công dân các nơi không đến Đồng Nai! Vì nhiều nhà máy ở Đồng Nai, chỉ cần một vài công nhân nghỉ làm trong một dây chuyền nào đó là coi như cả hệ thống “đứng bánh”.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng ra quyết định “cấm người từ TPHCM về Lâm Đồng”. Các tuyến xe liên tỉnh đi/về TPHCM - Lâm Đồng đều “tạm dừng”.

Điều buồn cười là, trong khi quyết định “cấm” nọ ban hành chưa ráo mực thì tỉnh Lâm Đồng lại vội vã có tờ trình xin TPHCM “mở cửa” chợ hoa Đầm Sen để tỉnh này tiêu thụ hoa cho dễ vì hàng chục vạn cành hoa các loại bỏ thối trên đồng chẳng có người mua! Giá như tiên liệu được thảm trạng của “hoa thối” trên đồng không ai mua thì hẳn tỉnh Lâm Đồng không ra quyết định “cấm cửa” như đã dẫn.

Chủ trương của Chính phủ là nhất quán từ khi có dịch đang bùng phát cũng như khi dịch đã tạm lắng là cùng lúc tiến hành hai nhiệm vụ phát triển kinh tế và chống dịch. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng như nhau nên mọi hình thức chống dịch cực đoan như đã nói trên đây đều trái với quan điểm chỉ đạo của Trung ương.

Chúng ta đều biết, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Nó như “bể chứa” đủ thứ hàng hóa của cả một khu vực rộng lớn các tỉnh phía Nam. Vì vậy, chỉ cần “cấm cửa” vài ngày thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố, mà còn tác động không nhỏ đến hàng triệu người khác ở các tỉnh có quan hệ mua bán hàng hóa, nhất là hàng nông sản.

Dịch dã là điều không ai muốn. Tỉnh nào cũng mong muốn địa phương mình bình yên, không có dịch bệnh. Điều đó là chính đáng, song mong muốn theo kiểu “chỉ biết phần mình” là hoàn toàn không chấp nhận được.

Sài Gòn là mảnh đất nghĩa tình. Khi cả nước “có việc”, thì người dân Sài Gòn chìa tay ra cứu giúp, từ thiên tai địch họa cho đến các phong trào giúp người nghèo. Bây giờ Sài Gòn đang gặp khó, lẽ nào các tỉnh lại… quay lưng?

Cần phải quản lý chặt số người đi và đến địa phương mình để chống dịch thật tốt là điều cần thiết nhưng không vì sợ dịch mà ta chống một cách cực đoan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.