Với quan điểm SGK mới phải phù hợp với đặc thù địa phương, nhận thức học trò cũng như điều kiện kinh tế phụ huynh, cơ sở vật chất trường học, các địa phương đã có quyết định riêng cho mình.
Quan tâm đặc thù vùng miền
Là tỉnh miền núi, biên giới thuộc diện nghèo nhất cả nước, ngành Giáo dục Lai Châu chọn sách dựa theo tiêu chí: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
“Chúng tôi chỉ đạo 100% đơn vị trong tỉnh (97 trường tiểu học; 16 trường phổ thông có nhiều cấp học) xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn SGK lớp 1; Thực hiện chọn sách đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch và bám sát các tiêu chí theo quy định. Hiệu trưởng các đơn vị đã niêm yết công khai kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021”, NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chia sẻ.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Lai Châu đặt ra 10 tiêu chí, trong đó đáng chú ý: “Cấu trúc sách, bài học rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần bằng logo, biểu tượng. Thể hiện rõ các mạch nội dung, giúp cơ sở giáo dục thuận lợi trong xây dựng kế hoạch giáo dục riêng và bố trí thời khóa biểu phù hợp với từng địa phương, năng lực học sinh và cơ sở vật chất trường, lớp học”. Hay tiêu chí: “Ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, gần gũi, tạo độ mở để học sinh có thể vận dụng các từ ngữ phù hợp với văn hóa địa phương”.
Trên cơ sở danh mục bộ SGK được Bộ thẩm định và công bố, hầu hết trường học tại thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên lựa chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Huyện Than Uyên sử dụng bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
Lựa chọn vì thế hệ trẻ
Tại Điện Biên, quá trình nghiên cứu, lựa chọn SGK được triển khai thận trọng với quan điểm đặt tương lai của thế hệ trẻ lên trên mọi quyền lợi.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên lựa chọn 2 bộ SGK cho các môn học, trong đó Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có các môn: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Đạo đức và Mỹ thuật. Bộ sách “Cánh Diều” có các môn: Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Tiếng Anh và Giáo dục Thể chất.
Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng (Mường Ảng, Điện Biên) cho hay: Thay sách đồng nghĩa với việc thay đổi kiến thức, phương pháp truyền thụ cho học sinh. Vì thế, hội đồng tiến hành thận trọng, nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn sách.
Ở Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng, tiêu chí được đưa ra để lựa chọn SGK mới: Phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội tại địa phương và trình độ học sinh. Cấu trúc, kênh chữ, kênh hình, đẹp, rõ ràng khoa học. Hình ảnh gần gũi với học sinh vùng cao. Nội dung SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn nhà trường để dạy và học theo hướng tích hợp. Hệ thống câu hỏi, bài tập trong sách được thiết kế linh hoạt có tính ứng dụng giúp học sinh ôn tập và củng cố phát triển năng lực, phẩm chất.
Xuất phát từ những tiêu chí đưa ra và qua nghiên cứu nội dung 5 bộ SGK, Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng quyết định chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Còn theo ông Lường Văn Luyến, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Ẳng Nưa (Mường Ảng, Điện Biên), một trong những tiêu chí chọn sách phải dựa trên “túi tiền” của phụ huynh học sinh vùng cao.
“Chuyên môn tôi không dám can thiệp. Nhưng các thầy cô lựa chọn làm sao phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương để chúng tôi có thể mua tất cả các tài liệu học tập cần thiết cho con em mình”, ông Lường Văn Luyến nhận định.