Vậy làm sao để các trường, địa phương lựa chọn được bộ sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông cũng như kinh tế gia đình học sinh.
Nếu trước đây, SGK là pháp lệnh, việc dạy và học phải tuân theo SGK; thế nhưng theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là phương tiện để giáo viên dạy học. Mặt khác, nếu như trước đây cả nước chỉ có một SGK nhưng theo Luật Giáo dục 2019, mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Vì thế, vấn đề lựa chọn SGK càng cần được coi trọng hơn bao giờ hết.
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK; quy trình lựa chọn SGK và công bố danh mục SGK được lựa chọn và trách nhiệm của các bên liên quan.
Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương và cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn SGK. Minh chứng rõ nhất là, trước và sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, 100% các sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiên cứu, lựa chọn SGK mới. Không đâu xa, ngay trong thời gian các địa phương cho học sinh nghỉ học tạm thời để phòng tránh dịch Covid-19, các trường phổ thông, đặc biệt là các trường tiểu học trên cả nước đều tổ chức cho giáo viên tìm hiểu về quy trình lựa chọn SGK dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí đã được quy định chi tiết tại Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT mà Bộ GD&ĐT mới ban hành.
Hỏi giáo viên trong thời gian cho học sinh nghỉ học tạm thời, các thầy, cô làm gì? Chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời, trong đó có nội dung: Nghiên cứu các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, để lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất.
Trò chuyện với hiệu trưởng trường tiểu học từ miền ngược tới miền xuôi càng thấm thía hơn tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc lựa chọn SGK. Với họ, đó không đơn thuần là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào vì đã góp phần vào sự phát triển của giáo dục địa phương. Đây là lý do vì sao trong họ luôn luôn thường trực câu trả lời cho câu hỏi: Chọn sách cho ai?
Không phải ngẫu nhiên mà các thầy, cô giáo tham gia vào quá trình lựa chọn SGK. Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thì đã rõ, đáng nói, điều này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.
Tới đây, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn SGK cho địa phương mình. Sách được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định và nhất quán với các tiêu chí lựa chọn mà Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT đã hướng dẫn.
Song nói gì thì nói, chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới dù có tốt, hay đến đâu, nhưng nếu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không thay đổi, không tự bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và đổi mới phương pháp dạy học chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên để họ có thêm động lực và niềm tin khi thực hiện Chương trình giáo dục