Chộn rộn mùa săn mật ong rừng ở A Lưới

GD&TĐ - Khi cây rừng Trường Sơn đâm chồi nẩy lộc, hoa rừng đua nở đón xuân, là lúc người dân huyện A Lưới (miền núi Thừa Thiên Huế) hớn hở bảo nhau đã tới mùa “mật ngọt”. Đến A Lưới mùa này, trong sân mọi nhà, óng ả màu mật hong nắng vàng, thoảng hương thơm ngát. 

Hoa lan rừng đua nở báo mùa xuân về
Hoa lan rừng đua nở báo mùa xuân về

Chuẩn bị mùng mền đi tìm mật

Lên Trường Sơn, không chỉ cảm nhận được cái đẹp của núi rừng trăm hoa đua nở, mà còn gặp cảnh háo hức đi tìm mật của bà con. Giữa trùng điệp núi non và những cánh rừng đầy hoa rực rỡ, những người đi lấy mật như vào hội. Thoắt ẩn, thoắt hiện, sắc màu thổ cẩm dần khuất sau các dãy núi gối lên nhau, bao phủ bởi biển mây trắng xóa.

Mùa mật kéo dài khoảng ba tháng, sau đó vị ngọt của mật sẽ loãng dần, đến nhạt thếch là hết mùa. Ở A Lưới, người dân tộc Tà Ôi (xã A Roàng, xã Hương Lâm) săn mật ong rừng giỏi nhất. Họ giàu kinh nghiệm, trải qua nhiều thế hệ đều làm nghề lấy mật ong rừng để sống.

Rừng bạt ngàn, song không phải ngọn núi nào cũng có. Lúc đặt chân đến cửa rừng, người dẫn đường mới “tiết lộ” cho biết sẽ đi đâu, đó là luật tục hay để giữ bí mật lộ trình?

Người tìm mật gùi trên lưng gạo, thức ăn khô, thuốc men, mùng mền, cây rựa, và dây thừng... đi từng nhóm ba, bốn người để hỗ trợ nhau. Người nào cũng giỏi trèo cây, vì ong mật làm tổ trên cây cao hàng chục mét, khi cây cao quá phải làm thang dây.

Lấy mật trên cây cao

Lấy mật trên cây cao

Ngóng đợi mùa xuân mới

Những năm gần đây, lộ trình của người đi lấy mật ong rừng ngày càng xa hơn. Rừng gần bị lâm tặc, người tìm vàng khuấy động khiến đàn ong sợ hãi bay đi. Mật ong rừng trở nên khan hiếm, người ta tìm những hốc cây hoặc hang đá bịt kín lại, chỉ chừa những lỗ nhỏ, dẫn dụ ong ruồi đến làm tổ.

Chờ khi có mật, của ai người ấy lấy. Người sành sỏi mới phân biệt được loại mật ong rừng với mật ong nuôi. Mật ong rừng nguyên chất bổ dưỡng, vừa hiếm vừa đắt, giá mỗi lít vào mùa khai thác gần hai trăm nghìn đồng, cuối mùa đắt hơn và khó tìm.

Mật ong rừng nguyên chất

Tùy theo may rủi, người được chục lít, người vài trăm lít. Đem về, mật được chiết tách để loại bỏ sáp và xác ong, sau đó lọc kĩ lần nữa, rồi đựng vào chai thủy tinh.

Đến lúc mãn mùa, người ta lại chờ. Sang năm, hoa rừng nở rộ, đàn ong dập dìu đi tìm hoa hút nhị, mùa xuân mật ngọt lại về theo dòng chảy thời gian…

Đồi A Bia, di tích lịch sử ở A Lưới mùa xuân hòa bình
Đồi A Bia, di tích lịch sử ở A Lưới mùa xuân hòa bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ