Chọn nghề cần tính đến lâu dài

GD&TĐ - Việc lựa chọn nghề nghiệp sau này, đưa ra quyết định cuối cùng thi hay theo học ngành, trường nào không phải là đơn giản với nhiều người. Chọn nghề phù hợp với năng lực học tập của cá nhân, hay chọn nghề theo định hướng của gia đình là những yếu tố quan trọng quyết định tương lai sau này của mỗi người.

Chọn nghề cần tính đến lâu dài

Không thể theo cảm tính

Theo nhiều khảo sát từ các trường THPT, không ít thí sinh đang theo học lớp 12 chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT quốc gia và sẽ tham gia tuyển sinh vào đại học, thì có nhiều học sinh vẫn thực sự chưa có những hiểu biết gì về những nghề nghiệp sau này mình sẽ theo.

Có một thực tế đang diễn ra là tâm lý đám đông của không ít học sinh chọn trường theo cùng sở thích của nhóm bạn hoặc những nghề mà có vẻ như xã hội đang cần, chứ thực sự chưa xác định đó là nghề mình sẽ theo cả đời.

Thế nên, hệ quả là nhiều bạn đã trúng tuyển, theo học một trường đại học nào đó một thời gian sau mới biết là mình lựa chọn sai. Không ít trường hợp chấp nhận 4 - 5 năm đèn sách theo học ngành này nhưng rốt cuộc lại làm nghề khác.

Chọn ngành nghề gì, trường nào theo cảm tính hay có sự tính toán lâu dài, đây là câu hỏi không đơn giản để đưa ra lời khuyên cho thật chính xác, tất cả đều là tham khảo, nhưng quyết định để chọn lấy một nghề, một hướng đi cho cả cuộc đời mình luôn là câu hỏi cho những học sinh và gia đình trước ngưỡng cửa các trường đại học.

Mọi lời khuyên đều mang tính tham khảo, quan trọng nhất là các bậc phụ huynh, chính người học cần phải xác định việc lựa chọn nghề mình thích chưa đủ mà còn cần phải cân nhắc năng lực học tập của bản thân có đủ để trúng tuyển và đủ điều kiện theo học ngành nghề đó đến nơi đến chốn hay không.

Ngoài ra cũng phải tính đến nhu cầu của thị trường nhân lực dài hơi hơn là thời điểm mình ra trường chứ không thể theo cảm tính là nghề này đang hot. Thêm nữa, việc chọn trường, chọn nghề cần tính tới cả yếu tố đam mê, lòng ham thích với nghề nghiệp đó vì thực tế trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh quyết liệt thì lao động nào có chuyên môn giỏi, yêu nghề thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều những người hời hợt, non kém về năng lực nghiệp vụ.

Nghề nào cũng cần phù hợp

Thời gian qua, xã hội có nhắc đến nhiều tình trạng cử nhân và cả thạc sĩ không làm đúng theo chuyên môn được đào tạo, có người quay trở lại học, làm những công việc phổ thông. Việc thay đổi nghề suy cho cùng cũng là việc sửa sai, thay vì việc thụ động chấp nhận làm đúng ngành nghề đào tạo nhưng thu nhập hay điều kiện phát triển lại không có.

Theo NGƯT. TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh của Viện Đại học Mở Hà Nội, người chọn nghề, hay nghề chọn người đây là suy tính chủ quan của mỗi người, còn việc cử nhân, kỹ sư chấp nhận đổi nghề đi đường khác là điều mà các nhà trường không hề mong muốn vì thực tế trường nào đào tạo cũng muốn người học làm việc theo đúng chuyên môn của mình.

Tuy nhiên, mong muốn là khách quan còn việc làm có hay không, lao động đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không thì lại là yếu tố chủ quan, thực tế là nhiều khi lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì thế, đây là điều mà nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, khi anh có bằng cấp nhưng không đủ năng lực để xin việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo thì việc thay đổi công việc mới cho phù hợp cũng là điều bình thường.

“Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự đa dạng về ngành nghề là thuận lợi nhưng đồng thời cũng là thách thức đặt người lao động phải cạnh tranh từng vị trí việc làm với đội ngũ nhân lực đến từ các nước. Nên nhớ rằng mục đích cuối cùng của mỗi người cũng là có việc làm và thu nhập, nếu đủ năng lực học tập thì hãy theo học đại học, thêm nữa cũng không nên lựa chọn những gì quá sức mình” - TS Lê Văn Thanh nêu rõ.

“Nghề gì thì cũng là lao động để đem lại thu nhập, những định nghĩa nghề này cao siêu, nghề kia thấp hèn giờ không còn đúng nữa. Chúng ta nên coi việc thay đổi ngành nghề đã học, chuyển đổi nghề khác là chuyện bình thường. Điều quan trọng là lao động phải thực sự có năng lực và yêu thích, gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp của mình”. NGƯT. TS Lê Văn Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ