(GD&TĐ)- Bộ GD-ĐT chủ trương không in cẩm nang tuyển sinh như mọi năm là việc làm cần thiết, tiết giảm chi phí đáng kể cho kì tuyển sinh 2012; bên cạnh đó, việc thêm khối A1, cấp GCN kết quả thi cho thí sinh, giãn thời gian ĐKXT NV2 và NV3 đã thêm cơ hội trúng tuyển cho các TS.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh- Giám đốc TT Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội đã khẳng định tại một buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường THPT, các TTGDTX trên địa bàn TP.Hà Nội.
Hai bạn Trần Thị Khanh (phải) và Lê Thị Trang đang tìm hiểu các thông tin tuyển sinh. Ảnh, gdtd.vn |
Không có cẩm nang tuyển sinh nhưng vẫn không ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin tuyển sinh của các thí sinh dự thi vì hiện nay có nhiều kênh cung cấp thông tin tới các thí sinh, đặc biệt là các trường ĐH-CĐ đã nêu cao tính tự chủ của mình trong việc cung cấp thông tin tới các thí sinh. Các trường ĐH-CĐ trên cả nước hiện nay đã sử dụng triệt để các kênh truyền thông để đem đến cho thí sinh những thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển sinh cũng như ngành nghề đào tạo của mình.
Bên cạnh đó, qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, học sinh trên cả nước hiện nay đã rất nhanh nhạy trong việc lựa chọn ngành nghề và tự hướng nghiệp cho mình. Bên cạnh đó, còn có các ban tư vấn nghề nghiệp của các trường THPT, cha mẹ và các người thân khác tác động khiến cho các em chủ động hơn trong việc định hướng nghề nghiệp, Bà Trinh nhận định.
Chủ động tìm kiếm thông tin tuyển sinh
Em Lê Thị Trang- HS lớp 12A1- trường THPT Tiến Thịnh (huyện Mê Linh- TP.Hà Nội) cho biết: em chọn thi khối A và đang dự định sẽ nộp hồ sơ ĐKDT vào ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Bách Khoa Hà Nội hoặc ĐH Kinh tế Quốc dân.
Trang cho biết, trường có Ban tư vấn tuyển sinh, cứ mỗi thứ 2 hàng tuần, các thầy cô lại giành thời gian nói chuyện, tư vấn cho học sinh khối 12 của trường về các ngành nghề đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Dự định thi vào ngành Công nghệ thông tin của Trang là được các cô tư vấn.
Em Phạm Thị Mai: chọn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là vừa sức học của em. Ảnh, gdtd.vn |
HS Trần Thi Khanh, học cùng lớp với Trang cho biết, em cũng thi khối A. Vì học lực của Khanh đạt loại giỏi nên em tự tin và sẽ chọn một trong các trường Đại học top trên để thử sức.
Em cho biết, các trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài Chính... đều là những trường lấy điểm đầu vào cao nên em nên nộp hồ sơ ĐKDT vào một trong các trường này sẽ là một thử thách lớn nhưng em vẫn muốn thử sức mình trong năm đầu tiên.
Hai bạn Trang và Khanh đều cho biết, ý thức được việc lựa chọn ngành nghề phù hợp cho mình là rất quan trọng nên từ rất sớm, đầu năm lớp 12, hai bạn đã tìm hiểu thông tin mình quan tâm về các ngành nghề đào tạo của các trường Đại học. Kênh thông tin mà hai em thường tìm hiểu là các trang web của trường, các báo điện tử và trang Thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Tại đây, các em tìm được đầy đủ những thông tin hữu ích về ngành nghề mình đã lựa chọn.
Em Lê Thị Thúy Nga- HS lớp 12A10- trường THPT Yên Lãng (huyện Mê Linh- TP.Hà Nội) cho biết, em chọn thi khối T và khối A1 để có nhiều cơ hội thi đậu trong lần thi Đại học đầu tiên. Khối T, em tự tin với môn thi năng khiếu nhảy xa trong nội dung điền kinh nên sẽ nộp hồ sơ ĐKDT vào trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Khối A1 em chọn Học viện Mở Hà Nội để nộp hồ sơ ĐKDT.
Nga chia sẻ, dự định sẽ nộp hồ sơ ĐKDT ở hai khối thi khác nhau nên em đã chủ động tìm kiếm thông tin các ngành nghề đào tạo của các trường có tuyển sinh ở khối này. Website của Bộ GD&ĐT (http://www.moet.gov.vn) là địa chỉ em thường xuyên truy cập để tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó là địa chỉ: http://www.upes1.edu.vn là trang web của Đại học TDTT Bắc Ninh và địa chỉ: http://www.hou.edu.vn của Viện Đại học Mở Hà Nội. Qua mạng internet, em đã tìm kiếm đầy đủ những thông tin hữu ích cho mình để làm hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH-CĐ năm nay.
Chọn nghề bằng niềm đam mê
Phạm Thị Bích Thảo (ngoài cùng, bên phải): ước mơ trở thành kĩ sư nông nghiệp. Ảnh, gdtd.vn |
Thích nghề giáo và mong muốn trở thành giáo viên Tiểu học trong tương lai, em Phạm Thị Mai HS lớp 12A4- trường THPT Tiến Thịnh (huyện Mê Linh- TP.Hà Nội) chọn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 để nộp hồ sơ ĐKDT. Niềm yêu nghề và sự tận tâm của các thầy cô giáo đối với học sinh đã làm em nảy nở tình yêu của đối với nghề giáo, Mai chia sẻ.
Khi bộc lộ ý định sẽ thi vào một trường sư phạm, Mai được các cô giáo của mình rất ủng hộ và tận tình hướng dẫn cho em cách chọn trường phù hợp với học lực của mình. Mai cho biết, qua tìm hiểu em thấy khoa GD Tiểu học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội hàng năm đều lấy điểm đầu vào rất cao (trên 20 điểm), cao hơn điểm sàn cả chục điểm, học lực của em chỉ xếp loại khá nên sẽ khó thi đậu vào trường này; do vậy em chọn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là vừa sức để thi.
Cũng xuất phát từ niềm đam mê để chọn trường, em Phạm Thị Bích Thảo lớp 12A8- trường THPT Sơn Tây (Tx. Sơn Tây- TP.Hà Nội) cho biết em chọn thi khối A và dự định sẽ nộp hồ sơ ĐKDT vào trường Đại học Thủy Lợi- Khoa Cải tạo đất. Sinh ra và lớn lên tại Sơn Tây, một vùng đất đai bán trung du rộng lớn, phì nhiêu, Thảo muốn trở thành một kĩ sư nông nghiệp để làm giàu trên chính quê hương mình nên đã chọn Khoa Cải tạo đất để thi vào. Ngành này của trường hàng năm lấy điểm chuẩn vừa với lực học của em, Thảo chia sẻ.
Thời điểm đăng nộp đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2012 đã đến gần, đây là lúc các thí sinh và người nhà gấp rút tìm hiểu thông tin, cân nhắc khả năng,...để đưa ra quyết định chọn ngành nghề, chọn trường; chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ đúng, đủ để tập trung vào công việc ôn tập vượt qua các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Giang Đông