Chọn ngành yêu thích hay ngành hot?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chọn ngành hot để dễ kiếm việc làm, có thu nhập tốt trong tương lai hay chọn ngành mình yêu thích để hiện thực hóa đam mê, gắn bó với nó trong cuộc đời sau này? Băn khoăn này sẽ được các chuyên gia lý giải.

Chọn ngành yêu thích hay ngành hot?

“Cãi bố” để chọn ngành yêu thích

Sinh viên Lê Ngọc Hải, hiện đang theo học năm cuối ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hải kể, ở thời điểm chọn ngành khi thi đại học 4 năm trước, bố Hải có tư vấn em chọn ngành khác hot hơn do ngành của Hải chọn là kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể khó xin việc. Hải đã phải thuyết phục gia đình cho mình được theo học ngành tự động hóa, vốn là ngành mà Hải yêu thích từ lâu.

“Giờ đây khi đang là sinh viên năm cuối, nếu được hỏi lựa chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn ngành này. Sau gần 5 năm theo học ngành, tôi đã trau dồi được nhiều kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng mềm, các mối quan hệ trong ngành. Trong quá trình học, tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến ngành tự động hóa. Nhờ yêu thích, đam mê nên mình không ngại mày mò, tìm hiểu, khám phá ngành học trong suốt thời gian ở trường để có hành trang tốt nhất đi làm sau này”, Hải chia sẻ.

Chọn ngành theo sở thích năng lực hay chọn ngành hot vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều sĩ tử.

Chọn ngành theo sở thích năng lực hay chọn ngành hot vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều sĩ tử.

Chọn sai ngành nghề dẫn đến nhiều hậu quả như lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý. Việc cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn ngành nghề là rất quan trọng. Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay các trường đai học top trên, khi nhà trường mở chương trình đào tạo nào cũng phải khảo sát kỹ nhu cầu việc làm, định hướng trung và dài hạn của nhà nước. Do vậy, các chương trình mới mở đều có nhu cầu rất lớn về việc làm. Còn học sinh nên chọn ngành nào thì cần phải tìm hiểu kỹ, dựa trên 4 điều kiện gồm sở thích, năng lực, điều kiện của gia đình và nhu cầu thị trường. Các em có thể tự lập một bảng để điền các tham số định lượng vào từng điều kiện, từ đó chọn ra giải pháp tối ưu nhất.

“Ưu tiên số một phải là niềm yêu thích, đam mê của mình. Thích công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học… thì quyết tâm theo đuổi nó. Sau đó mới cân nhắc năng lực của mình. Nếu mình không cẩn thận, tỉ mỉ thì nên chọn ngành học có yêu cầu độ chính xác, tỉ mỉ vừa phải thôi. Trước khi chọn ngành nghề thì nên tìm hiểu thêm học phí của ngành nghề đó thế nào, xem khả năng tài chính của gia đình có đáp ứng được trong 4 năm học không. Có như thế mới chọn được ngành học phù hợp nhất”, TS Hải khuyên.

Nên chọn ngành theo sở thích

Cô Phạm Thị Hằng, cán bộ phòng tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường Đại học Bách khoa có rất nhiều ngành, bám sát nhu cầu thực tế. Gần đây đa phần học sinh cho rằng ngành hot trong trường là công nghệ thông tin, tự động hóa, kỹ thuật ô tô, cơ điện tử… Các khối ngành như logictic và quản lý chuỗi cung ứng, ngành phân tích kinh doanh cũng có sức hút rất mạnh so với nhu cầu thực tế. Nhiều em cho rằng lựa chọn ngành hot để có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Cô Hằng khuyến cáo, các em nên chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình sẽ tốt hơn là chỉ chọn ngành hot.

“Nếu lựa chọn ngành hot mà mình không yêu thích thì rất khó để đam mê, sáng tạo”, cô Hằng nói.

Theo thống kê những năm gần đây, 98,6% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường có việc làm sau 6 tháng. Đây là con số rất ấn tượng cho các bạn muốn theo học Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài công tác đào tạo, nhà trường còn có nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em có thể kết nối, phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Nhà trường có kết nối với doanh nghiệp để sinh viên dễ dàng tiếp cận việc làm sau tốt nghiệp.

Hãy tìm hiểu kỹ ngành mình định chọn để có quyết định đúng.

Hãy tìm hiểu kỹ ngành mình định chọn để có quyết định đúng.

Theo TS Vũ Duy Hải, chọn ngành theo sở thích, đam mê song cũng cần có một số tư duy, kỹ năng, tinh thần ham học học với lĩnh vực mà mình chọn. Các em hãy học tốt các môn học gắn liền với ngành học định chọn. Ví dụ định học ngành tự động hóa thì hãy học tốt môn Toán, các môn về tư duy logic, các kỹ năng cần rèn luyện như cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác…

Ngoài ra, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4 - 5 năm học, thậm chí là 6 - 9 năm đối với khối y dược.

TS. Hoàng Kim Huệ - Giảng viên khoa Quản lí Giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ với các em thí sinh đang bước vào giai đoạn chọn ngành, chọn trường, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ