Chọn đúng xu hướng nghề nghiệp trong tương lai

GD&TĐ - Hướng nghiệp không chỉ là chọn đúng ngành mình thích, có thế mạnh mà phải đoán biết đúng xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Hướng nghiệp không chỉ là chọn đúng ngành mình thích, có thế mạnh mà phải đoán biết đúng xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Hướng nghiệp không chỉ là chọn đúng ngành mình thích, có thế mạnh mà phải đoán biết đúng xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Nhu cầu nghề nghiệp gắn liền với khả năng của bản thân

Định hướng nghề nghiệp cho bản thân tức là là bạn sẽ tự đặt ra mục tiêu, lựa chọn nghề nghiệp của mình và tự chịu trách nhiệm với quyết định đó. Sự lựa chọn này cần phải đảm bảo phù hợp đối với sở thích, năng lực, tính cách, điều kiện kinh tế, đồng thời cũng cần phải quan tâm đến thu nhập và cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển trong tương lai.

Định hướng nghề nghiệp cho bản thân cũng giống như việc “vẽ đường cho hươu chạy”. Khi bạn có được định hướng phù hợp và đúng đắn thì bạn cũng sẽ dễ dàng khoanh vùng lựa chọn của bản thân, nhờ đó có thể đưa ra được những sự lựa chọn phù hợp đúng với sở thích, tính cách, khả năng của chính mình. Đồng thời, khi đã biết được nghề nghiệp phù hợp với mình thì bạn cũng sẽ thuận lợi trong việc hoạch định ra các mục tiêu cá nhân, tạo ra con đường ngắn nhất để gặt hái được những thành công và khẳng định chính mình trên hành trình tạo dựng, phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Thời gian đào tạo đại học kéo dài từ 4-5 năm. Do vậy các ngành sẽ thay đổi rất nhiều trong vòng 2-5 năm tới. Có những ngành hiện tại rất tốt nhưng trong tương lai sẽ thay đổi rất nhiều theo chiều hướng xấu.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm phát triển hướng nghiệp Unistar cho rằng, để xác định đúng nghề nghiệp có nhu cầu cao trong tương lai, cần cái nhìn sâu rộng về cơ hội nghề nghiệp dựa trên nhiều mức độ. Trên thực tế, không phải bất kỳ ai sinh ra cũng làm giám đốc, kỹ sư hoặc bác sỹ. Cũng như vậy, xã hội phát triển luôn luôn đòi hỏi người lao động tại mọi cấp độ từ đại học, cao đẳng, trung cấp, nghề và các nghề đơn giản (yêu cầu lớp 12).

Khi đánh giá nhu cầu nghề nghiệp, xem xét toàn bộ nhu cầu tại tất cả các cấp độ. Ví dụ một bạn tốt nghiệp trung cấp rất khó xin việc làm nhân viên văn phòng. Tuy nhiên nếu bạn đấy được định hướng trở thành nhân viên bán hàng tại cửa hàng chuyên nghiệp, bạn đấy có thể có mức lương rất tốt trong vòng 3-4 năm.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm phát triển hướng nghiệp Unistar.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm phát triển hướng nghiệp Unistar.

Cha mẹ cần nhìn nhận rất thực tế và thực dụng về năng lực, tính cách và hoàn cảnh nguồn lực của gia đình để lựa chọn các mức độ cho con em. Một gia đình có mức thu nhập trung bình và con em có lực học vừa phải. Chương trình cao đẳng nghề có thể là lựa chọn thông minh vì sau 24 tháng, con em có thể đi làm ngay và có thu nhập.

Thứ nữa là xem xét các dự báo nguồn nhân lực. Dự báo nguồn nhân lực do các đơn vị thuộc nhà nước thực hiện dựa trên các nghiên cứu khoa học và thăm dò thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động. Các thông tin này có độ tin cậy cao. Ngoài ra các thông tin này còn hoàn toàn mang tính chất miễn phí giúp cho xã hội định hướng phát triển nghề nghiệp.

Yếu tố địa phương trong nhu cầu nhân lực

Điều cần lưu ý là các ngành nghề phân bổ không đều trong các địa phương. Tùy theo các yếu tố tự nhiên và các chương trình đầu tư phát triển của chính phủ, các tỉnh sẽ có các yêu cầu nhân lực khác nhau. Ví dụ trong vài năm tới,các địa phương như Phan Thiết, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo… sẽ có nhu cầu rất lớn về ngành du lịch. Tương tự như vậy, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An sẽ có nhu cầu nhân lực lớn do cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và các nhà máy đầu tư phát triển…

Đánh giá cơ hội nghề nghiệp qua định hướng kinh tế vĩ mô. Các định hướng kinh tế vĩ mô của nhà nước hoặc các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm ảnh hưởng rất nhiều tới cơ hội nghề nghiệp trung và dài hạn. Ngoài các định hướng kinh tế vĩ mô của nhà nước, các phụ huynh cần chú ý tới các định hướng phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam.

Kinh tế của quốc gia cần hòa nhập với nền kinh tế quốc tế. Các ngành có lợi thế cạnh tranh Việt nam sẽ có tương lai khi đầu ra các ngành này tập trung cho nền kinh tế thế giới. Các ngành như gia công phần mềm, thủy sản, chế biến nông sản, dệt may v/v là những ngành trọng điểm của Việt Nam hòa nhập với kinh tế thế giới. Các ngành, nghề liên quan tới các lĩnh vực này sẽ có tương lai phát triển dài hạn.

Nền kinh tế Việt Nam đang có những sự thay đổi từ nông nghiệp chuyển sang sản xuất bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20. Hiện tại kinh tế Việt Nam dần chuyển từ sản xuất sang tri thức và sáng tạo. Vì vậy những nghề nghiệp thuộc tri thức và sáng tạo sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Thí sinh cũng cần lưu ý các yếu tố xã hội quyết định rất nhiều tới nhu cầu nghề nghiệp. Các yếu tố xã hội quan trọng như hiện trạng di dân từ nông thôn tới thành thị, phần trăm dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm đa số, tốc độ đô thị hóa v/v đã tạo ra nhiều ngành nghề mới và đồng thời ảnh hưởng tới những ngành nghề cũ. Xu hướng của nền kinh tế chuyển dần sang các ngành dịch vụ.

Xác định ngành nghề phát triển tương lai rất quan trọng. Các phụ huynh cần nghiên cứu kỹ các gợi ý trên để xác định những lựa chọn nghề nghiệp cho con em trong kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới.

Khi định hướng nghề nghiệp, tuyệt đối đừng chọn lựa theo xu hướng, đừng chạy theo các trào lưu của bạn bè hoặc những nghề nghiệp đang hot tại thời điểm đó. Cũng bởi, bạn chỉ có thể thành công nếu bạn lựa chọn đúng công việc và nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng về khả năng kinh tế của gia đình, phải lựa chọn ngành nghề mà bạn có thể theo đuổi lâu dài và đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Ví dụ như, xu hướng nghề nghiệp hiện nay sẽ thiên về công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, xây dựng, công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, bạn lại là người có thiên hướng về lĩnh vực nghệ thuật thì tất nhiên nếu bạn vẫn cố ép bản thân chạy theo những ngành nghề đang hot thì bạn sẽ không thể nào theo đuổi nó đến cùng, rất dễ bị “gãy gánh giữa đường”.

Do đó, đừng quá vội vã trong mọi quyết định của mình, hãy suy nghĩ và tìm hiểu thật cẩn thận để tránh đưa ra những chọn lựa sai lầm. Định hướng nghề nghiệp cho bản thân chính là mở ra con đường rộng lớn cho tương lai sau này, nó có thể gắn bó với bạn đến hơn 2/3 cuộc đời. Vì thế, đừng lựa chọn một cách tạm bợ, qua loa để rồi phải hối hận, tiếc nuối về sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ