Chọn đúng điểm rơi

GD&TĐ - Các kỳ thi riêng cần có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh/kiểm tra, giám sát...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong bối cảnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu, việc các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh đầu vào là phù hợp với cơ chế tự chủ.

Khác với Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, các kỳ thi riêng được xây dựng và tổ chức bởi trường đại học nhằm kiểm tra, đánh giá thí sinh trên nhiều kỹ năng, phù hợp với mục tiêu xét tuyển từng trường, lĩnh vực… Vì vậy, mỗi kỳ thi có cách thức, nội dung kiểm tra khác nhau. Do đó, thí sinh cần lưu ý để chọn “đúng điểm rơi” và gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Tuy nhiên, nếu quá nhiều kì thi có thể khiến thí sinh lúng túng, không biết lựa chọn thế nào cho phù hợp. Điều này, vô hình trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Trong kỳ thi riêng xuất hiện nhiều dạng đề mới, vì thế nếu không được định hướng hoặc ít thời gian ôn tập, thí sinh sẽ thiếu kiến thức và gặp khó khi làm bài thi. Đáng mừng là, các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng đã lưu ý một số điểm quan trọng về cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi; thậm chí công bố công khai đề thi minh họa để thí sinh tham khảo và chủ động học tập.

Thẳng thắn mà nói, việc tổ chức kỳ thi riêng phù hợp với định hướng công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Song thiết nghĩ, cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả.

Trên hết, đề thi cần xây dựng theo đề cương, bao gồm cấu trúc và dạng thức. Đề thi thể hiện được yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để học tập thành công ở trình độ đào tạo. Phạm vi đánh giá của đề thi phải nằm trong nội dung của chương trình cấp THPT hiện hành. Tiêu chí đánh giá dựa trên các cấp độ năng lực, tư duy; phân loại được trình độ, đáp ứng mức độ phù hợp của thí sinh đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi tuyển sinh.

Đặc biệt, đề thi được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn, hoặc xây dựng mới theo quy trình bảo mật tuyệt đối. Trong trường hợp tổ chức nhiều hoặc một đợt thi và có nhiều đề thi, các đề thi phải bảo đảm tính tương đương. Câu hỏi thi phải diễn đạt rõ ràng, không đa nghĩa. Đề thi được hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm xây dựng và hội đồng khác chịu trách nhiệm thẩm định.

Vẫn biết, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tuyển sinh và có quyền xây dựng, công bố, thực hiện đề án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, các kỳ thi riêng cần có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh/kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ