Em làm, em làm cô! Cái khí thế ấy thường diễn ra ở cấp tiểu học. Cô giáo không phải tốn nhiều lời lẽ, công sức cho công tác tổ chức, lựa chọn “bộ máy” cán sự lớp mình, vì có nhiều em tự nguyện, tự giác, xung phong làm cán sự. Nhưng lên cấp hai, cấp ba, khi các em đã lớn một chút, thì công tác tổ chức, chọn lựa đội ngũ cán bộ lại chẳng hề dễ dàng tí nào. Bảo xung phong, tự nguyện làm thì hiếm có ai. Thầy cô giáo chủ nhiệm dùng cách chỉ định trực tiếp đến em A, em B thì các em ấy liền chối từ và nêu đủ thứ lí do. Lắm lúc, giáo viên chủ nhiệm phải dùng chính sách động viên, khích lệ, năn nỉ hết cỡ, thì học sinh mới miễn cưỡng, bất đắc dĩ chịu làm.
Mất thời gian, ảnh hưởng tới học tập, sợ thầy cô phê bình, quở mắng khi chưa hoàn thành, thiếu gương mẫu, sợ bạn bè nói xách mé, trêu chọc, “cô lập” thậm chí bị hành hung khi mạnh dạn kể... sai phạm của bạn trước tập thể... đây là những nguyên nhân chủ quan khiến nhiều em e ngại, từ chối không muốn làm cán bộ lớp. Câu chuyện của trường, lớp, các em thường tâm sự hết thảy cho phụ huynh nghe. Khi biết con em mình làm việc nọ, việc kia ở trường, lớp, có phụ huynh không hề thích, liền cản ngăn, gọi điện hoặc gặp trực tiếp thầy cô đề nghị cho cháu nó nghỉ làm cán sự, cũng với đủ mọi lí do... Công việc chọn lựa cán sự lớp tưởng chừng như chuyện nhỏ, đơn giản ở đầu năm, song thực tế lại nảy sinh lắm phức tạp, khó khăn đối với thầy cô chủ nhiệm, nhất là ở bậc THPT.
Phải có “bộ máy” cán sự lớp, từ lớp trưởng đến các tổ phó, cán sự bộ môn... trong tổ chức, hoạt động của 1 lớp học, đấy là nguyên tắc, qui định bắt buộc trong nhà trường phổ thông. Thực tế, “bộ máy” này rất quan trọng, góp phần củng cố nền nếp, tác phong, chấn chỉnh những lệch lạc, khuyết điểm về đạo đức, xây dựng, phát huy tinh thần học tập, cùng nhiều hoạt động, phong trào khác của lớp, nếu giáo viên chủ nhiệm biết chọn lựa được nhiều cán bộ tốt, năng nổ, nhiệt tình và biết hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện cho các em làm việc.
Trong trường hợp, giáo viên vắng mặt, cán sự lớp sẽ thay mặt giáo viên theo dõi, quản lí lớp. Nhờ có các nhân tố tích cực này góp sức nên việc đánh giá, xếp loại của thầy cô giáo về mọi mặt của từng học sinh trong lớp sẽ thuận lợi, chính xác, khách quan, thuyết phục hơn. Đương nhiên, công việc của cán sự lớp cũng không có gì nặng nề, mệt nhọc cho lắm. Nhưng những áp lực, căng thẳng từ nhiệm vụ, vai trò đối với các em làm cán bộ lớp lại thường hay có. Làm cán bộ để chúng bạn “phục”, nghe theo, làm theo, thì em đó phải cố gắng, phấn đấu học tập nhiều hơn, giỏi hơn, rồi luôn phải đầu tàu gương mẫu trong mọi công việc được thầy cô, nhà trường giao phó. Trải qua công việc chủ nhiệm, chúng tôi từng chứng kiến và xử lí, can thiệp nhiều trường hợp cán bộ lớp bị một số học sinh cá biệt đe dọa, hành hung... vì lí do trên, khiến có em sợ quá không dám làm nữa.
Vì không chịu nổi những áp lực từ học tập, từ thầy cô, từ tập thể lớp mà một số em cán bộ lớp rơi vào trạng thái khủng khoảng tinh thần. Có thể do tác động từ đời sống xã hội nên môi trường giáo dục nhà trường phổ thông mấy năm gần đây nảy sinh nhiều tính chất phức tạp, dẫn đến việc lựa chọn cán sự lớp, quá trình làm việc của cán bộ lớp cũng gặp khó khăn, trở ngại không ít.
Để làm tốt và phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của cán bộ lớp đối với hoạt động, tổ chức của lớp trong từng năm học, phía nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh cần ủng hộ, tạo điều kiện tốt hơn nữa. Chẳng hạn, miễn hoặc giảm một phần học phí, đóng góp cho các em làm cán bộ lớp. Nếu các em có sai sót gì thầy cô cũng tránh gây áp lực quá lớn đối với các em, đồng thời thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các em trong học tập, công việc, đừng khoán trắng tất cả, đừng tạo cho các em có một cảm giác tẻ nhạt, đơn độc trong nhiệm vụ làm cán bộ lớp.