Chọn cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng

GD&TĐ - Chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo quy định về Thông tư chính tả trong chương trình, sách giáo khoa mới. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về các nội dung được thể hiện trong dự thảo, trong đó có nội dung về từ Hán Việt.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo

Góp ý về từ Hán Việt PGS.TS Hoàng Dũng – Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh cho rằng, định nghĩa về từ Hán Việt như trong dự thảo Thông tư đã lấy cái cơ chế đang có hiệu lực trong tiếng Việt để xác định từ Hán Việt, tức là trên quan điểm gọi là từ nguyên học đồng đại — một quan điểm được Cao Xuân Hạo cổ vũ.

Đó là một quan điểm đúng đắn, xét trên yêu cầu giáo dục hướng đến năng lực. Trong trường hợp này, việc nắm vững vốn từ Hán Việt cần thiết thông qua con đường cung cấp kiến thức ngôn ngữ học lịch sử thì khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc triển khai quan điểm này không đơn giản. Vì thế PGS.TS Hoàng Dũng đề xuất nên sửa thành: Từ Hán Việt là những từ mượn tiếng Hán mà các yếu tố cấu tạo nó không có khả năng hoạt động độc lập trong câu (không được sử dụng làm thành phần của cụm từ hoặc của câu), ví dụ: giang sơn, tổ quốc, bình đẳng,... hoặc có khả năng làm thành phần của cụm danh từ có yếu tố chính ở sau, ví dụ: không quân, nhã ý, cao cấp, thành tâm, thành ý, đội trưởng, đoàn phó ...

Tuy thế, cần lưu ý một số ngoại lệ về cụm danh từ có cấu trúc (phụ + chính) nhưng yếu tố phụ không phải là Hán Việt, ví dụ cửa hàng trưởng, nhớt kế, xoắn khuẩn, amper kế, vân kế, ...

Còn theo PGS.TS Hà Văn Minh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi giải thích về từ Hán Việt cần chú ý thêm các vấn đề như: âm Hán Việt; cấu tạo không thể tùy tiện thay đổi; từ mượn tiếng Hán còn nhiều bộ phận khác không phải từ Hán Việt. Mặt khác đã giải thích thuật ngữ từ Hán Việt thì cũng nên cân nhắc giải thích thêm từ thuần Việt.

PGS.TS Hà Văn Minh cũng nêu vấn đề: Trong trường hợp âm tiết chứa âm I là tên riêng nhưng đó là tên riêng từ thời trung đại thì viết thế nào? Chẳng hạn: nhà Lý hay nhà Lí; Hồ Quý Li hay Hồ Quý Ly…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị: Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo. Trong quá trình soạn thảo văn bản cần chọn cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, dễ sử dụng vì đối tượng không chỉ là người viết sách, mà sau này các thầy, cô giáo dạy học sinh cũng phải được hiểu rất kỹ các nội dung này.

Thứ trưởng giao Bộ phận soạn thảo, trực tiếp là Vụ Giáo dục trung học cần sớm có văn bản báo cáo, đề xuất với Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT được ban hành Thông tư quy định về chính tả trong sách giáo khoa mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo tiến độ thì từ nay đến tháng 5/2018 là phải ban hành Thông tư. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chạy theo tiến độ; quan trọng nhất vẫn là chất lượng.

Vì thế có thể đặt ra mục tiêu muộn nhất tháng 9/2018 là phải hoàn thành việc soạn thảo Thông tư. Lúc đó chúng ta đã có thẩm định chương trình, các tác giả cũng bắt đầu viết sách giáo khoa và ngay từ đầu họ viết sách theo đúng quy định thì sau này sẽ không phải sửa nữa.

Thứ trưởng đề nghị Thông tư đổi lại thành “Thông tư quy định về chính tả trong sách giáo khoa giáo dục phổ thông” để phù hợp với thực tiễn hơn. Mong muốn của Bộ là Thông tư có tính kế thừa nhưng vẫn phải mang tính xã hội cao. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng nên bổ sung phần giao trách nhiệm thực hiện và các điều khoản thi hành khác.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ