Cholesterol xấu và stress không còn đáng sợ?

GD&TĐ - Gần đây, y học đã có một bước tiến lớn trong việc chiến đấu chống lại căn bệnh gây tử vong số một trên thế giới. Đó là một loại thuốc mới phát minh có thể ngăn chặn được các cơn đau tim và đột quị bằng cách giảm lượng “cholesterol xấu” đến mức chưa từng thấy.

Cholesterol xấu và stress không còn đáng sợ?

Evolocumab giúp giảm cholesterol xấu

Hội tim mạch Anh (BHF) xem loại thuốc mới là tiến bộ rất ý nghĩa trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người hàng đầu thế giới”.

Theo ước tính, có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị chết mỗi năm do lên cơn đau tim hay đột quị và cholesterol xấu là “tên ác ôn trong thế giới tim mạch” vì nó đóng mảng trong thành động mạch, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu khiến trái tim và não bị mất oxygen. Vì vậy, hàng chục triệu người phải dùng biệt dược statins để kéo giảm lượng cholesterol xấu.

“Loại thuốc mới Evolocumab sẽ thay đổi cách gan làm việc để cắt giảm cholesterol xấu. Cách này hiệu quả hơn là dùng statins” – GS Peter Sever thuộc Đại học Imperial College London nhận xét. Ông là người đã thử nghiệm loại thuốc mới tại Anh cùng với công ty dược Amgen.

Kết quả thử nghiệm loại thuốc mới được công bố trên tập san y học New England Journal of Medicine và được báo cáo tại hội nghị tim mạch của Đại học American College of Cardiology.

Nghiên cứu cho thấy, đột quị và đau tim không xảy ra trong tất cả 74 bệnh nhân thử nghiệm thuốc suốt 2 năm. Vậy thì Evolocumab hoạt động như thế nào? Chỉ là kháng sinh giống như các “vũ khí tự vệ” được hệ miễn dịch sử dụng để chống nhiễm trùng nhưng Evolocumab được thiết kế để tấn công một protein có tên PCSK9 trong gan, giúp gan làm việc tốt hơn để loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi dòng máu và tiêu diệt chúng.

Thử nghiệm cho thấy Evolocumab cắt giảm được mức cholesterol xấu đến 60%. Evolocumab được tiêm dưới da từ 2 đến 4 tuần một lần. Tuy nhiên, Sever cảnh báo: “Trừ những người không còn phản ứng với statins, thuốc mới sẽ không đủ để thay thế statins vì rất nhiều người có cholesterol xấu cao nên Evolocumab không thể cung ứng trong một sớm một chiều”.

Stress do cảm xúc ảnh hưởng xấu đến tim mạch

Một phát hiện mới khác cho thấy stress trong hoạt động của não là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tim. Các nhà nghiên cứu đã nhận biết được cách stress có thể làm viêm động mạch. “Ảnh hưởng của stress liên tục trên một vùng nằm sâu trong não chính là thủ phạm làm tăng nguy cơ đau tim” – báo cáo nghiên cứu đăng trên tờ The Lancet kết luận.

Nghiên cứu được tiến hành trên 300 người có hoạt động mạnh ở vùng amygdala và thấy họ sớm bị bệnh tim mạch hơn những người có hoạt động yếu ở khu vực này. Stress là yếu tố nguy cơ cao không thua gì hút thuốc và huyết áp khi nói đến bệnh tim mạch. Theo các chuyên viên tim mạch thì những người có nguy cơ đau tim cao nên tìm cách quản lý stress, đừng để nó chi phối.

Từ lâu người ta đã biết “stress do cảm xúc” có ảnh hưởng xấu đến bệnh tim mạch (CVD) nhưng lại chưa hiểu nó ảnh hưởng bằng cách nào. Nay, đội nghiên cứu tại Trường Y Harvard đã chỉ rõ thủ phạm là “hoạt động mạnh tại khu vực amygdala của não”. Đây là khu vực xử lý các cảm xúc như sợ hãi và tức giận.

Bình luận về kết quả nghiên cứu của Trường Y Harvard, TS Ilze Bot thuộc Đại học Leiden ở Hà Lan nói: Ngày càng có nhiều người bị stress hành hạ. Quá tải công việc, lo mất chỗ làm, sống trong nghèo khó và nhiều nữa là các nguyên nhân dẫn đến stress kinh niên. Stress kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm”. Bà Emily Reeve, chuyên viên tim mạch tại Hội Tim mạch Anh nói: “Muốn giảm nguy cơ đau tim và đột quị do stress thì trước hết phải kiểm soát những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và ăn uống vô tội vạ. Phát hiện ra nguy cơ tim mạch từ não sẽ thúc đẩy chúng ta phải tìm ra các phương cách mới để loại bỏ stress tâm lý. Phải tầm soát stress thường xuyên và khống chế ngay khi nó xuất hiện, không cho stress tấn công vào trái tim và mạch máu của chúng ta”.

Theo The Lancet và New England Journal of Medicine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Hạt gửi mùa sau

GD&TĐ - Tình yêu thương, sự chăm chút âm thầm của giáo viên không chỉ là ký ức đẹp của mỗi học sinh, mà còn góp phần hình thành nên nhân cách mỗi người.