Dạy trẻ chơi mà hướng tới tình yêu…
Sau Tết, rất nhiều lễ hội diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Dịp này, không ít trẻ tò mò về các trò chơi dân gian. Đây là một trong những kho tàng của di sản văn hóa, mang tính chất vận động tinh thần xuất phát từ lao động sản xuất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong cộng đồng. Những trò chơi ấy hầu hết đều bắt nguồn, gắn kết với các bài đồng dao, những câu vè, hay những câu văn vần rất hay và độc đáo.
Đặc biệt, dịp Tết và sau Tết Nguyên đán, nhiều trẻ được về quê, được tham gia các lễ hội cũng được trải nghiệm các trò chơi dân gian ở mỗi địa phương. Mặc dù, trò chơi dân gian mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến nó dần bị mai một. Vì vậy, mỗi cá nhân trong xã hội cần tích cực góp phần gìn giữ nét đẹp này cho con trẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, trò chơi dân gian trong mỗi dịp Tết hay các lễ hội sau Tết giúp trẻ hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo. Qua các trò chơi, trẻ phát triển sự khéo léo và hiểu tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước…
Trò chơi dân gian còn góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Những trò chơi diễn ra ngoài trời sẽ đưa trẻ gần với thiên nhiên hơn. Trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan sát về môi trường tự nhiên và có nhiều trải nghiệm.
Ngoài ra, nhiều trò chơi còn phát triển ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh. Đây là cơ sở cho việc làm phong phú hơn vốn từ, tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ nói cho trẻ.
Ngày nay, xã hội càng phát triển càng cần thiết hướng trẻ đến các trò chơi dân gian nhiều hơn. Nó giúp trẻ giảm thời gian chơi các thiết bị điện tử, tránh thụ động dẫn đến trầm cảm…
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh, trò chơi dân gian chính là chất xúc tác để giáo dục trẻ hướng về cội nguồn, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay nó dần bị mai một. Phần là do đất chật, người đông, nhiều gia đình sống ở các khu chung cư, khu phố khiến trẻ không có không gian chơi đùa.
Hơn nữa, nhiều cha mẹ ngại cho con ra ngoài vì lo sợ, muốn con ở trong nhà cho an toàn. Do vậy, trẻ sinh ra và lớn lên đều không có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian.
Khi đến trường, việc bê tông hóa toàn bộ sân trường tuy có mang lại sự sạch sẽ, thông thoáng, tiện dụng nhưng kéo theo đó là vô vàn bất tiện khác. Đặc biệt ở thành phố, diện tích đất không nhiều, cây xanh ít khiến trẻ không có sân chơi.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, cha mẹ cho con tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử khiến trẻ ít tha thiết đến các trò vận động. Thay vào đó là những hình ảnh siêu nhân, chơi game, trò chơi điện tử thông qua tivi, iPad, điện thoại… từ công nghệ 4.0 đã lấp đầy thời gian của trẻ. Ở nông thôn, tuy có không gian nhưng nhiều gia đình còn bận rộn chuyện kinh tế nên cha mẹ chưa thực sự dành thời gian để chơi với con.
Trẻ ở trên lớp cũng ít có những giờ ngoại khóa lồng ghép các trò chơi dân gian. Chính vì vậy, nét đẹp này bị mai một theo năm tháng.
Không khó để cùng tham gia
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, độ tuổi mầm non, các em được chơi đùa với bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, trẻ chưa được đến trường. Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian chơi với con.
Những trò chơi dân gian không hề tốn kém kinh phí, cũng không khó thực hiện. Vì vậy, nếu cả nhà cùng nhau chơi đùa sẽ khiến con hạnh phúc và phát triển trí tuệ, sức khỏe toàn diện.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng – Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) - chia sẻ: “Muốn trẻ tiếp cận với trò chơi dân gian thì chính người lớn phải hiểu về nó. Không chỉ là một giáo viên, mà còn là phụ huynh của 2 con nhỏ, tôi rất quan tâm tới việc cho trẻ vận động.
Việc này giúp trẻ phát triển thể lực và trí tuệ, sống vui vẻ hơn. Vì thế, tôi thường lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi. Bởi, không phải trò chơi dân gian nào cũng dành cho mọi trẻ em”.
Cô Hằng cho biết thêm, đồ dùng đồ chơi của các trò chơi dân gian cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Nó mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi riêng. Chính vì vậy, trước khi tổ chức cho trẻ chơi một trò nào đó cần phải tìm hiểu trước để am hiểu về nó mới có thể hướng dẫn trẻ.
Cô Nguyễn Thu Hằng cho rằng, khi lựa chọn trò chơi dân gian cho trẻ, cần thực hiện theo các tiêu chí: Trò chơi không quá đơn giản tránh gây nhàm chán nhưng cũng không quá phức tạp để trẻ thấy nản.
Hơn nữa, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trò chơi phải dễ kiếm, dễ tìm. Người lớn có thể tìm cách để gây hứng thú, thu hút sự chú ý của trẻ vào trò chơi. Thông qua đó, cần giúp củng cố tư duy, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện.
Lê Trần Anh Quân – học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) - kể, mỗi một trò chơi, em lại hỏi mẹ về ý nghĩa của nó. Từ đó, em hiểu thêm về văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng miền. Thời điểm này, chúng em không được đến trường nhưng trò chơi dân gian không quá khó để cùng các bạn hàng xóm chơi với nhau.
“Trò chơi em thích nhất là kéo co, bịt mắt bắt dê… Các bạn nam và nữ đều có thể chơi được và có tính đồng đội cao. Những hôm ở nhà, vì không có bạn chơi cùng và không có sân nên em cùng bố chơi trò ô ăn quan. Em cảm thấy mình vui vẻ, hoạt bát hơn sau khi được chơi đùa. Nhờ đó có tinh thần học tập tốt hơn và không ham mê chơi điện tử nữa”, Anh Quân nói.