Nghe có vẻ khả thi và không hề là chuyện đáng báo động. Tuy nhiên, đó lại chỉ là một phần của vấn đề. Khi đi sâu vào tìm hiểu mối liên hệ tưởng như khá tích cực này, các nhà nghiên cứu đã vô tình phát hiện rằng, việc chơi game (trò chơi điện tử) lại có một tác động khác rất đáng lo ngại: Làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới. Theo nghiên cứu, tác động không mong muốn này có thể do video game đã “tái lập trình” hệ thống cảm thụ ở não người, trong đó có việc cảm nhận và hưởng thụ tình dục, để tập trung cho các hưng phấn do game mang lại.
Trong báo cáo đăng tải trên tạp chí The Journal of Sexual Medicine, GS Andrea Sansone cho biết, kết quả nghiên cứu rất đáng quan tâm đối với ngay cá nhân ông, bởi lẽ dù là một nhà khoa học, nhưng bản thân GS Andrea Sansone cũng là một người chơi game thường xuyên (còn gọi là game thủ). “Từ khi tốt nghiệp trường Y cho tới suốt những chuyến đi công tác, tôi luôn cố tìm cách hòa trộn niềm đam mê chơi game với mối quan tâm của tôi về sức khỏe tình dục nam giới. Bởi thế khi phát hiện ra kết quả nghiên cứu sơ bộ về tác động của việc chơi game tới nguy cơ xuất tinh sớm và rối loạn cương dương, tôi thật sự trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới, trước khi phát hiện thêm tác dụng phụ ẩn giấu đằng sau”, Sansone chia sẻ.
“Tác dụng phụ” này chính là khía cạnh không mấy hấp dẫn của việc chơi game, tưởng phụ mà lại thành chính: Làm suy giảm ham muốn tình dục. Cụ thể hơn, nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình những người chơi game sẽ có ham muốn tình dục thấp hơn so với những người không chơi. Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm nhà khoa học của Đại học Sapienza cho rằng, có thể các trò chơi video game đã “tái lập trình” cơ chế tưởng thưởng trên não bộ (vốn có liên quan tới hoạt động tình dục, các chất kích thích, niềm vui sướng hạnh phúc…), từ đó làm giảm ham muốn, đồng thời giảm luôn nguy cơ mắc xuất tinh sớm ở nam giới, chứ không phải việc giảm nguy cơ mắc xuất tinh sớm là một tác dụng độc lập.
Tất nhiên, nghiên cứu vừa công bố của GS Sansone và các đồng nghiệp gây lo ngại cho cộng đồng game thủ, nhưng mặt khác cũng dấy lên không ít dấu hỏi trong giới khoa học. Nguyên nhân dễ thấy chính là nghiên cứu chỉ được tiến hành với khoảng 400 người tại một khu vực nhỏ, chưa đủ mức độ phổ quát để đi tới kết luận toàn cục. Mặt khác thì việc khảo sát bằng bảng câu hỏi tự trả lời, đặc biệt là đối với các vấn đề nhạy cảm cá nhân như hoạt động tình dục có thể chưa được chính xác. Đó cũng là lý do hiện giới khoa học đang kêu gọi có thêm những nghiên cứu được tiến hành một cách hoàn hảo về mặt khoa học hơn nhằm đi tới kết luận thật sự có giá trị, thay vì chỉ là phỏng đoán trên một cộng đồng nhỏ.