Chở yêu thương tới thầy trò miền rẻo cao tây Nghệ

Chở yêu thương tới thầy trò miền rẻo cao tây Nghệ

Những chuyến ngược núi ngày cuối năm

Nga My cách trung tâm huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) hơn 60km đường đèo, tập trung chủ yếu bà con người Thái, Khơ Mú. Trong đó, bản Văng Môn là nơi tái định cư của hơn 400 nhân khẩu Ơ Đu – dân tộc rất ít người chỉ phân bố ở Nghệ An – sau khi nhường bản làng cũ cho thủy điện Bản Vẽ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cùng đoàn công tác đến thăm học sinh huyện miền núi
 Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cùng đoàn công tác đến thăm học sinh huyện miền núi

Đối với giáo dục, so với nhiều vùng cao khác, Nga My còn nhiều vất vả về chất lượng, nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Cô Lương Thị Lợi dạy học ở trường Tiểu học Nga My gần 20 năm nhưng phần lớn thời gian phụ trách điểm lẻ. Nơi xa nhất là bản Na Ngân cách trung tâm xã gần 20km đường dốc đá, băng qua nhiều đoạn khe suối.

Vì thế mà cô còn được mệnh danh là “tay lái lụa”, sẵn sàng dừng lại giữa đỉnh đèo, một tay tháo lốp, một tay vá săm như thợ lành nghề rồi tiếp tục quãng đường tới lớp. “Xe máy của giáo viên cắm bản phải thay lốp thường xuyên, còn hư hỏng là chuyện thường ngày. Phụ nữ mà toàn làm việc đàn ông, nhưng điều kiện của mình khó khăn, tự thân vận động chứ không thể trông đợi vào ai được”, cô Lợi tâm sự.

Nhiều điểm trường vùng cao Nghệ An vẫn còn khó khăn, thiếu thốn
 Nhiều điểm trường vùng cao Nghệ An vẫn còn khó khăn, thiếu thốn

Cô Nguyễn Thị Nhung, nhà ở xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) cách trường 150km. Chồng cũng làm ăn xa xứ, con nhỏ phải gửi về ông bà nội chăm sóc. Cuối tuần cô gói ghém đồ đạc về thăm con, thứ 2 lại dậy sớm tất bật ngược núi. Cô chỉ mong tết nghỉ dài ngày để gần gia đình, gần con, còn thưởng tết là điều xa xỉ ở vùng cao này.

Cô La Thị Nhiên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My chia sẻ: “Năm nay, trường và công đoàn chỉ có quà tết cho mỗi cán bộ, giáo viên khoảng 150.000 đồng. Biết là ít ỏi nhưng động viên tinh thần anh em là chính”.

Tặng quà tết cho các cháu mầm non huyện Tương Dương, Nghệ An
 Tặng quà tết cho các cháu mầm non huyện Tương Dương, Nghệ An

Thông cảm và hiểu những khó khăn, thiệt thòi của trường học vùng khó, nhiều năm qua, Sở GD&ĐT, Công đoàn GD Nghệ An duy trì hoạt động đi thăm hỏi, trực tiếp tặng quà cho giáo viên, học sinh 6 vùng huyện miền núi cao.

Trước tết Canh Tý, đoàn chúc tết tiếp tục đến với xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn), Nga My (huyện Tương Dương), Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), Châu Lý (huyện Quỳ Hợp), Châu Phong (huyện Quỳ Châu) và Quang Phong (huyện Quế Phong).

Lần đầu tiên nhận quà tết từ Sở GD&ĐT, thầy Nguyễn Hồ Minh – Giáo viên Trường PT DTBT THCS Thạch Ngàn (Con Cuông) xúc động: Đây là niềm động viên lớn lao, để tôi thấy mình đang được ngành quan tâm. Tôi đi dạy đã 17 năm nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng huyện, lương 2,5 triệu đồng/tháng, không thể lo toan đủ cuộc sống hàng ngày. Nhưng yêu nghề giáo, yêu học trò nên bao năm qua tôi vẫn gắn bó, chờ đợi trở thành giáo viên chính thức.

Tết của sẻ chia, nhân ái

Hưởng ứng chương trình “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng” do Công đoàn GD Nghệ An phát động, các trường miền xuôi cũng lên hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần cho trường vùng cao.

Có những bản làng miền tây Nghệ An nằm trên đỉnh núi, các thầy cô cũng phải bám bản theo trò
 Có những bản làng miền tây Nghệ An nằm trên đỉnh núi, các thầy cô cũng phải bám bản theo trò

Sau khi nhận giúp đỡ Trường THPT Quế Phong, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (huyện Quỳnh Lưu) đã tổ chức đoàn đi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn dạy học, quản lý. Đồng thời, tặng nhiều sách giáo khoa và đồ dùng học tập, trao học bổng cho các em hoàn cảnh khó khăn.

Cán bộ giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) cũng vượt 150 km để mang theo hàng trăm suất quà tặng cho giáo viên và học sinh Trường THPT Quỳ Châu.

Lớp học trên đỉnh Huồi Pốc, xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
 Lớp học trên đỉnh Huồi Pốc, xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Trường THPT Nghi Lộc 3 chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được hàng chục triệu đồng mua đầy đủ chăn ấm, áo ấm dành tặng gần 200 học sinh người Mông ở bán trú tại Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn). 

Đội thanh niên tình nguyện Trường chuyên THPT Phan Bội Châu vừa hoàn thành chuyến đi “Nắng về trên bản” tặng quà và trao 40 suất học bổng cho học sinh các điểm trường Mầm non, Tiểu học Tùng Hốc, Pụng Bón (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương).

Niềm vui của cậu học trò được tặng áo đồng phục mới, vở mới
 Niềm vui của cậu học trò được tặng áo đồng phục mới, vở mới

Không chỉ trong ngành giáo dục, mà nhiều đơn vị, tổ chức xã hội cũng hướng về thầy trò vùng cao. CLB Ảnh xứ Nghệ tổ chức chương trình Hơi ấm miền biên giới lần thứ 9, tặng đồng phục học sinh, tủ nấu cơm công nghiệp, bánh kẹo, vở viết cho Trường Tiểu học Châu Phong 1, 2 (huyện Quỳ Châu) và Tiểu học Cắm Muộn 1 (huyện Quế Phong).

Chuyến đi còn có sự góp mặt của nhiều em học sinh miền xuôi, lên giao lưu, chơi cùng các bạn miền núi. Ngoài ra, đoàn còn chụp, in ảnh tại chỗ tặng miễn phí cho bà con.
CLB Ảnh xứ Nghệ tổ chức chương trình hơi ấm miền biên giới cho thầy trò xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) và Cắm Muộn (huyện Quế Phong)
CLB Ảnh xứ Nghệ tổ chức chương trình hơi ấm miền biên giới cho thầy trò xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) và Cắm Muộn (huyện Quế Phong) 

Những món quà tuy không lớn về vật chất nhưng tạo động lực, khích lệ tinh thần để thầy trò trường vùng cao vững tin bám bản, bám trường, thi đua dạy tốt – học tốt.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – Thái Văn Thành - nhấn mạnh: So với những vùng khác, giáo viên và học sinh vùng cao còn rất nhiều khó khăn và thiệt thòi. Qua những chuyến công tác, chúng tôi muốn các nhà trường hiểu rằng quan tâm phát triển giáo dục miền núi, rút ngắn khoảng cách với các vùng, miền khác là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ