Là nhà văn, đồng thời là ông chủ của hai nhà hàng tại Hà Nội, ông bố 3 con (lần lượt là 9,8 và 4 tuổi) Hoàng Anh Tú cho rằng nên dạy cho con biết tiền chỉ là một phương tiện và làm sao để trẻ biết cách điều khiển phương tiện đó, chứ không phải thèm khát hoặc dửng dưng.
Mấy hôm nay, khi biết trường con mở căn tin, vài cha mẹ "gào" lên phản ứng dữ dội vì cho rằng trường quan tâm đến kinh tế mới lập ra căn tin kiếm thêm tiền, rằng cha mẹ không nên cho con tiền, hư con. Tôi vẫn cho con tiền mỗi ngày và chắc sẽ làm hư con sớm!
Tiền bạc và giới tính luôn là 2 phạm trù nhạy cảm đối với các bậc cha mẹ khi đối thoại với con. Phần đông người tôi biết đều hay bị sửng sốt (và sửng cồ lên) khi nói về vấn đề này. Tôi nghĩ là bởi lòng yêu con, bảo bọc con quá mức khiến cha mẹ hay lo sợ vậy.
Tôi vẫn cho con tiền mỗi ngày. Có khi cả 500.000 đồng, có khi chỉ 10.000 đồng. Như sinh nhật con, tôi đưa cho cháu 500.000 đồng và bảo: Đây là tiền của con nhân dịp sinh nhật. Hãy tiêu chúng cho đúng!
Hồi bé, chúng sẽ tính toán từng món đồ chơi để mua đủ 500.000 đồng, như một trò chơi cộng trừ. Nhưng lớn hơn một chút, khi biết về tiết kiệm, chúng đã mua một món đồ rẻ hơn nhiều để phần còn lại nhét lợn.
Để làm được điều đó, tôi nghĩ phần nhiều bởi tính cách của chúng. Việc của bố mẹ đôi khi chỉ là khuyến khích tính cách tốt và trò chuyện về những tính cách chưa tốt.
Như hàng sáng từ ngày có căn tin, tôi vẫn đưa các con 100.000 đồng cho 2 đứa. Chưa bao giờ chúng tiêu hết số tiền đó, luôn chỉ hết 40.000 đồng và mang về trả lại bố 60.000 đồng.
Mặc dù tôi chưa bao giờ nói với con rằng chỉ được tiêu bao nhiêu. Mỗi đứa mua duy nhất một ly nước 20.000 đồng. Có hôm nhớ tới em út, chúng lấy thêm 20.000 đồng để mua thêm một ly nước ngon cho em thưởng thức.
Có vài mẹo tôi học được trong quá trình biên soạn, xây dựng một bộ sách mới của mình, là hãy dạy con cách làm chủ đồng tiền thay vì cách tiêu tiền. Là các con học cách ra quyết định thay vì mua sắm.
Là các con đang sở hữu từng này tiền chứ không phải các con có từng này tiền. Bởi làm chủ sẽ khiến các con toàn quyền ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Ngăn cản con tiếp xúc với tiền, theo tôi, đó là cách làm cổ xưa của cha mẹ. Nó khiến các con tò mò, ham muốn và "đói khát". Như tôi (và nhiều bậc phụ huynh khác) đều đã hơn một lần chôm tiền của cha mẹ mình vì sự "đói khát" ấy.
Tôi nghĩ, không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền bạc. Không phải là tiền rất khó kiếm phải trân quý (dù nó đúng) mà nên là tiêu tiền đúng cách.
Bởi cha mẹ càng nói về sự quý giá của đồng tiền sẽ càng khiến các con ham muốn đạt được, đoạt được. Nếu tiền chỉ là một phương tiện, các con sẽ học cách điều khiển phương tiện đó, tôi nghĩ vậy.