Chớ nhân danh tình yêu thương để đánh con!

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ vẫn cho rằng, “thương con cho roi cho vọt” mà không biết hành vi nhân danh tình yêu thương để sử dụng bạo lực với con là vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến sự phát triển tâm-thể-trí của trẻ.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Vì thương nên "cho roi vọt"

Tại buổi Hội thảo giới thiệu chiến dịch "Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực" diễn ra sáng nay (19/10), tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) nêu thực tế, “tại nhiều gia đình Việt Nam, bố mẹ vẫn nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt cho trẻ” để sử dụng bạo lực thể chất; nhân danh noi gương rồi so sánh con gây nên những tổn thương tinh thần.

Trên thực tế, các hành vi vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo.

Đáng chú ý, vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi/ gậy; tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt em trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Một số trường hợp trừng phạt bằng tinh thần như: Mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật, với trẻ khác…

Điều đáng nói là, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi.

Đơn cử như tại các buổi thảo luận của trẻ em ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng mới đây, các em chia sẻ, các em quan tâm lo lắng, băn khoăn nhất chính là bị cha mẹ quát mắng, đánh trong nhà rồi mới đến các vấn đề xảy ra nhà trường.

Dạy con bằng kỷ luật tích cực

“Tình yêu thực tế chỉ có thể được thể hiện thông qua các hành động yêu thương và các phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương, khích lệ, khen thưởng, kỷ luật tích cực, đồng hành cùng con chính là những giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của trẻ”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch.

Năm nay, chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” được triển khai tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh với sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương với các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ chiến dịch, hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách sẽ được triển khai.

Với những thông điệp: “Ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất, sao phải lo lắng” – chiến dịch mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các thầy giáo cùng thử thách bản thân thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục trẻ.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ