Chờ điều thần kỳ ở Beirut

GD&TĐ - Các đội cứu hộ đang tiếp tục đào bới sâu với hy vọng mong manh sau khi ghi nhận một số dấu hiệu của sự sống được phát hiện 30 ngày sau khi vụ nổ lớn phá hủy phần lớn khu vực ven biển trung tâm thành phố Beirut.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau khi phát hiện có chuyển động sâu trong đống đổ nát ở khu vực Mar Mikhael, khu vực lân cận gần tâm chấn của vụ nổ tháng trước, đội cứu hộ đang tích cực tìm kiếm dưới ánh đèn pha trong điều kiện mùa hè ẩm ướt và nóng nực để dỡ bỏ các phần của bức tường bằng cần cẩu.

Theo một thành viên của Live Love Beirut, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, hình ảnh nhiệt được ghi nhận cho thấy nhiệt độ cơ thể sống trong đống đổ nát, trong khi một thiết bị khác ghi nhận 7 lần có nhịp thở. 

Eddy Bitar, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ địa phương cho biết, cuộc tìm kiếm đã được khơi mào nhờ phản ứng của một chú chó cứu hộ khi đi qua tòa nhà bị phá hủy. Những bức ảnh nhiệt sau đó cho thấy có hai thi thể - một cơ thể nhỏ cuộn tròn bên cạnh một cơ thể lớn hơn. Một thiết bị nghe cũng đăng ký chu kỳ hô hấp là 18 mỗi phút, Bitar nói.

Các đội cứu hộ đang đào đường hầm xuyên qua những mảnh vỡ bê tông dày để tiếp cận vị trí của người có khả năng sống sót. Francisco Lermanda, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ Topos Chile về tìm kiếm và cứu hộ, tỏ ra thận trọng trước viễn cảnh tìm thấy ai đó còn sống sau 30 ngày bên dưới đống đổ nát, tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng này, bởi đã từng có người sống sót sau 28 ngày dưới đống đổ nát ở Haiti.

Nhiều người cho biết một mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra từ tòa nhà bị phá hủy sau vụ nổ. Một phụ nữ cho biết, cô đã nhiều lần thông báo cho chính quyền về việc này và thúc giục họ tìm kiếm địa điểm này. Cô nói: “Hai tuần trước, chúng tôi đã biểu tình ở đây. Nếu họ đã kiểm tra ngay lúc đó, thì có lẽ đã có người được cứu sống”.

Vụ nổ đã xé toạc cảng Beirut vào ngày 4/8, khiến 190 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Vụ nổ được cho là có nguyên nhân từ gần 3.000 tấn amoni nitrat đã được lưu trữ tại cảng Beirut trong sáu năm. Amoni nitrat là một vật liệu dễ bay hơi được sử dụng trong phân bón nông nghiệp và chất nổ.

Sau vụ nổ, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab nói rằng, việc lô hàng amoni nitrat đã được lưu trữ trong một nhà kho ở cảng Beirut trong 6 năm là điều “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy rằng, nhiều cơ quan chính phủ ở Lebanon đã được thông báo về sự hiện diện của nitrat amoni, trong đó có cả Bộ Tư pháp.

Vụ nổ đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Lebanon, nơi chính phủ đang gặp khó khăn bởi những cáo buộc tham nhũng và quản lý yếu kém, và khiến đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế.

Sau các vụ nổ, Beirut đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình bạo lực trong nhiều ngày, với những người biểu tình kêu gọi chống lại giai cấp thống trị của các chính trị gia. Những người biểu tình đã chiếm một số bộ của chính phủ, ném đá và mảnh kính vào lực lượng an ninh. Cảnh sát đã bắn hàng trăm viên đạn hơi cay và đạn cao su, thậm chí trong một số trường hợp đã bắn đạn thật.

Chưa đầy một tuần sau vụ nổ, chính phủ Lebanon đã từ chức. Thủ tướng Diab gọi vụ nổ là “thảm họa không thể đo lường được”. Ông chỉ trích giới tinh hoa chính trị cầm quyền của Lebanon vì đã nuôi dưỡng cái mà ông gọi là “một bộ máy tham nhũng lớn hơn cả nhà nước”. Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã nói rằng sẽ “không thể” để ông từ chức vì nó sẽ dẫn đến khoảng trống quyền lực.

Vào cuối tháng trước, các nhà lãnh đạo của Lebanon đã chỉ định đại sứ của nước này tại Đức, Mustapha Adib, làm thủ tướng mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ