Giá thịt lợn tăng cao: Mừng ít lo nhiều

GD&TĐ - Từ chỗ phải “giải cứu”, nay giá thịt lợn liên tục tăng nhanh, hiện giá đã tăng lên gấp 2 - 3 lần so với cùng thời điểm năm 2017. Với mức giá này, người chăn nuôi phấn khởi ra mặt vì đã có lãi. Tuy nhiên, không ít người lại tỏ ra lo ngại, vì nếu các cơ quan quản lý không sớm có giải pháp phù hợp thì người chăn nuôi lại có thể rơi vào tình cảnh khủng hoảng thừa như trước đây...

Hiện, giá thịt lợn hơi do các công ty chăn nuôi lớn bán ra đang chạm ngưỡng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg
Hiện, giá thịt lợn hơi do các công ty chăn nuôi lớn bán ra đang chạm ngưỡng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg

Người chăn nuôi chưa hết lo

Vài tháng trở lại đây, giá thịt lợn trên cả nước liên tục tăng, thậm chí có thời điểm tăng gấp 2 - 3 lần so với thời khủng hoảng thừa (năm 2017). Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn tỏ ra lo lắng, bởi nếu giá cả vẫn tiếp tục tăng chắc chắn nhiều hộ gia đình cũng như trang trại sẽ ồ ạt tái đàn, khi đó rất dễ xảy ra khủng hoảng thừa và có thể sẽ lại phải “giải cứu” như trước đây.

Anh Nguyễn Danh Huấn - chủ một trang trại nuôi lợn ở thôn An Thọ - xã Xuân Huy (huyện Lâm Thao, Phú Thọ), chia sẻ: Cách đây hơn một năm giá thịt lợn xuống thấp gia đình anh đã phải bán lỗ, thậm chí hai vợ chồng còn bàn nhau bỏ nghề chăn nuôi để chuyển sang làm việc khác. Nhưng sau một thời gian cầm cự, đến nay vợ chồng anh chăn nuôi ổn định trở lại và vừa xuất chuồng được hai đợt với hơn 2 tấn lợn hơi - giá dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg. Với mức giá này, trong hai đợt xuất chuồng, gia đình anh đã lãi ngót nghét được trên 60 triệu đồng.

Trước thực trạng giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn hoả tốc đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng thịt lợn dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019. Ngoài ra, Bộ này cũng yêu cầu các địa phương triển khai bình ổn giá thịt...

 

“Tuy đã có lãi, nhưng quả thực vợ chồng tôi vẫn thấy rất lo lắng, bởi giá cả lúc lên cao, lúc xuống thấp rất khó đoán định. Bởi nếu giá tiếp tục lên cao, người dân và chủ trang trại sẽ ồ ạt tái đàn, lúc đó chắc chắn sẽ lại rơi vào khủng hoảng thừa, rồi lại phải đi để “giải cứu”. Hơn thế, nếu người dân và trang trại gia tăng tái đàn, chắc chắn khi đó các công ty thức ăn chăn nuôi cũng sẽ “té nước theo mưa” để tăng giá bán...” - anh Huấn nói.

Cùng với việc giá lợn hơi tăng mạnh, giá thịt tại các chợ dân sinh theo đó cũng tăng theo. Khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hiệngiá bán thịt lợn đã tăng lên từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, tại chợ Láng (quận Đống Đa), chợ Thành Công, chợ Cống Vị (quận Ba Đình), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm)... giá bán sườn non, thịt nạc vai đang ở mức 127.000 - 130.000 đồng/kg; giá thịt rọi, ba chỉ khoảng 131.000 đồng/kg...

Liệu có tiếp tục phải “giải cứu”?

Nói về giá thịt lợn hơi tăng mạnh trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là sau thời gian khủng hoảng thừa do không tìm được đầu ra cho thịt lợn nên nhiều trang trại, cũng như nông dân đã giảm đàn, thậm chí là đóng chuồng. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính hết tháng 7/2018 tổng đàn lợn của cả nước đã giảm gần 3% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo các chuyên gia, lý do khiến giá thịt lợn tăng mạnh là do lượng hàng tồn đã hết. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng thừa (năm 2017) đã khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, dẫn đến khả năng tái đàn khó khăn. Bởi vậy, nguồn cung thịt ra thị trường giảm dẫn đến giá cả tăng cao như hiện nay. Do đó, nếu không tái đàn thì việc khan hiếm nguồn cung, cũng như giá cả thịt lợn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để đảm bảo tính bền vững, tránh rủi ro các chủ trang trại và người dân không nên phát triển tái đàn ồ ạt mà cần theo dõi thị trường để đầu tư một cách phù hợp. Đặc biệt, cần chủ động kết nối thị trường, không nên phụ thuộc quá nhiều vào thương lái dẫn đến bị ép giá. Bởi từ trước đến nay, chăn nuôi ở nước ta chỉ mang tính nhỏ lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm và luôn chạy theo biến động của thị trường mà không chú trọng đến sự kết nối và tiêu thụ. Do đó, để đảm bảo tính bền vững việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi nói riêng và các ngành nghề nói chung...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ