Cho con quyền được... cãi

Một đứa trẻ có thể tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời cũng cần được người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng...

Cho con quyền được... cãi
Người làm cha mẹ đều từng trải qua sự nóng giận khi gặp phải phản ứng bướng bỉnh, cãi lại, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của cha mẹ như thế nào là rất quan trọng trong việc khiến con trở nên ngoan hay sẽ làm đứa trẻ ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình. 
Chị Hồng Ngọc (ở đường Láng) phàn nàn về cô con gái đang ngoan, hiền, bảo gì nghe nấy, nhưng khi tròn 12 tuổi, bỗng nhiên con hay cãi nếu bố mẹ nói gì hoặc bảo làm gì mà không vừa ý cháu. Chị muốn con mặc quần áo gọn gàng nữ tính thì con lại mặc đồ rộng thùng thình.
Ngày hè, chị bảo con mặc áo chống nắng, thì con “diễn” áo cộc, quần đùi. Chị nói con không thức khuya, con vẫn chong đèn thức tới 1 giờ sáng. Và còn nhiều lần con cãi, không nghe lời mẹ khiến chị rất tức giận… 
Mấy ngày nay, cô con gái vừa học hết năm nhất đại học của chị Thu Thảo (ở quận Thanh Xuân) đang “chiến tranh lạnh” với bố mẹ vì không nhận được sự đồng ý cho mình tham gia chiến dịch tình nguyện lên tận một tỉnh miền núi xa xôi. Năn nỉ thế nào cũng không lay chuyển được bố mẹ, con chị Thảo quay ra “tuyên chiến” bằng cách chiến tranh lạnh với cả nhà.  
Chị Thảo chia sẻ: “Thời chúng tôi, con cái mặt nặng mày nhẹ với người lớn là hỗn! Đến tận bây giờ, tôi cũng chưa dám giận bố mẹ ngày nào”. 
Chia sẻ trong hội thảo “Cho con quyền được cãi - Hình thành tư duy phản biện” do trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway tổ chức vừa qua, PGS Hoàng Minh Đức - nguyên Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, TS Tâm lý học lâm sàng tại ĐH Paris, Pháp cho biết: Cãi thường được coi là biểu hiện của tư duy phản biện, là kỹ năng hàng đầu trong 7 kỹ năng mềm mà mọi đứa trẻ nên học để có thể thành công trong tương lai.
Đôi khi việc cãi lại cho thấy trẻ đang phát triển và có quan điểm, chính kiến riêng. Với cách giáo dục và ứng xử hàng ngày với con trẻ theo kiểu “con nít biết gì”, người lớn chúng ta lại vô tình làm thui chột phẩm chất, kỹ năng muốn tìm tòi, tạo ra cái mới của con. 
Khi trẻ cãi lại, tùy mức độ mà bố mẹ có phản ứng khác nhau. Nếu con cãi hỗn, bố mẹ cần có thái độ để con biết mình đang không cư xử đúng. Bố mẹ không nhượng bộ vì đó không phải hành vi đúng đắn, nhưng cũng cần có cách xử lý đúng mực.
Bố mẹ tỏ ra quá khắc nghiệt, trẻ sẽ cảm thấy mình không thể bày tỏ cảm xúc và dần xa cách với bố mẹ. Ngược lại, khi con mình nói ra suy nghĩ với thái độ lễ phép, đúng mực, cha mẹ cũng nên nhìn nhận lại mình. Nếu thấy trẻ cãi đúng, hãy thừa nhận mình sai và xin lỗi vì đã áp đặt không đúng lên trẻ. 
PGS Minh Đức cũng chia sẻ những đứa trẻ ít lời, không biết cãi thường ấp ủ những suy nghĩ phức tạp, sau này khi bước ra cuộc sống có thể gặp những biến cố không vượt qua được, dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, người lớn phải tìm hiểu lý do tại sao trẻ không nói để biết cách gợi mở, truyền cảm hứng, giúp các bé trở thành con người độc lập.
Cha mẹ Việt thường có tâm lý người lớn luôn đúng, áp đặt suy nghĩ lên con. Cha mẹ phải hóa giải cảm xúc đó. Một đứa trẻ luôn sống trong tình yêu và bình đẳng thì không có khả năng trở thành người hỗn láo. 
Một đứa trẻ có thể tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời cũng cần được người lớn đối xử bình đẳng, tôn trọng và với đầy đủ lý lẽ xác đáng sẽ có phẩm chất của một con người hiện đại, biết tự chủ và tự quyết định cuộc sống của mình khi lớn lên.
Theo Phụ nữ thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.