Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của con người. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng như vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, chăm lo mà cụ thể là ban hành các cơ chế, chính sách trong đó dành sự ưu tiên đặc biệt đối với bậc học mầm non.
Quyết sách đúng đắn
Nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, ngày 26/12/2022 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1609/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030”. Chương trình hứa hẹn tác động giúp tháo gỡ những hạn chế, tồn tại hiện nay của giáo dục mầm non (GDMN) vùng khó khăn. Điều này cho thấy quyết sách đúng đắn của Chính phủ để GDMN vùng khó phát triển.
TS Cù Thị Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho biết: Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, trên cả nước có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ;
Đến năm 2030 có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.
Chính sách ban hành kịp thời tạo động lực cho GDMN vùng khó phát triển. |
Đối với giáo viên, đến năm 2025: bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; Đến năm 2030: bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Các cơ sở GDMN, đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.
Nỗ lực đổi thay
TS Cù Thị Thủy cho biết: Trong thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, GDMN đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng, về cơ bản mỗi xã/phường có một trường mầm non trên địa bàn hoặc nhóm/lớp mầm non; được phân bố đến các địa bàn dân cư thôn, bản, xa điểm trường chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách để hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, Chính sách hỗ trợ nấu ăn đối với cơ sở GDMN công lập ở xã khó khăn; Chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số; Chính sách hỗ trợ nấu ăn đối với cơ sở GDMN công lập ở xã khó khăn.
Cùng với chính sách hỗ trợ ăn trưa, nhiều cơ sở GDMN đã huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và các ban ngành, đoàn thể tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, hỗ trợ ngày công nấu ăn... để nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ tại trường.
“Các chính sách này đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển GDMN nói chung cũng như trẻ em vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ chuyên cần; nâng tỉ lệ trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 2 buổi/ ngày, từ đó giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em”. - Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy nói.
Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường xã Nà Hẩu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. |
Đối với chính hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ GVMN dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại điểm lẻ góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường, tăng tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ..., duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, tạo tiền đề tốt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào học lớp 1 và đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Hiện Bộ GDĐT rà soát, xác định, đánh giá những chính sách cần bổ sung, điều chỉnh (chính sách trẻ em nhà trẻ; GV dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu tại điểm chính).
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ ngành tham mưu Chính phủ trong, tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, cần cân đối nguồn lực để áp dụng chính sách cho phù hợp với bối cảnh.
Việc sử dụng kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia được phân cấp cho địa phương, do đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn và khả năng ngân sách của địa phương, quan tâm ban hành chính sách địa phương để phát triển GDMN, trong đó có chính sách đối với trẻ em và giáo viên MN vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.
Hiện nay, giáo viên MN vùng khó khăn còn thiếu hơn 10.000 GV, Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tháo gỡ các khó khăn như đã nêu trên; đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Bộ phối hợp với trung tâm nghiên cứu dân tộc, các trường cao đẳng, đại học, các địa phương có đông trẻ em người DTTS, một số tổ chức quốc tế như UNICEF, VVOB, Save the Children… đồng hành xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ GVMN trực tiếp dạy trẻ, xây dựng mô hình điểm để các địa phương học tập, nhân rộng, chia sẻ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. - Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy