Được tuyển thẳng vào THPT và xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ
Theo đó, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào THPT như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định của Bộ GD&ĐT;
Đồng thời, được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT.
Hưởng học bổng bằng 80% mức lương cơ sở
Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Đối với người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học;
Hướng dẫn áp dụng đối với người khuyết tật của Thành phố Hà Nội học tập trong các cơ sở giáo dục có dạy người khuyết tật, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan;
Không áp dụng đối với người khuyết tật học tập tại các cơ sở dạy nghề.
Nngười khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.
Mức hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập: 1.000.000 đồng/người/năm học.
Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Thời điểm hưởng: Từ ngày 5/3/2014.
Lưu ý: Trường hợp người khuyết tật trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ nói trên (kể từ thời điểm được hưởng chế độ từ ngày 5/3/2014) mà chưa được hưởng chính sách học bổng và kinh phí hỗ trợ để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập theo thời hạn qui định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
Cụ thể như sau:
Nếu người khuyết tật có thời gian học liên tục tại cùng 1 cơ sở giáo dục thì cơ sở giáo dục hiện tại người khuyết tật đang theo học có trách nhiệm lập danh sách đề nghị cấp truy lĩnh kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập.
Nếu người khuyết tật có thời gian học không liên tục tại cùng 1 cơ sở giáo dục thì cha mẹ hoặc người giám hộ, viết đơn và xin xác nhận thời gian thực học của người khuyết tật tại cơ sở giáo dục cũ mà người khuyết tật đã theo học, nộp cho cơ sở giáo dục hiện tại đề nghị được cấp truy lĩnh.
Người khuyết tật bỏ học hoặc bị buộc thôi học thì không được nhận học bổng và kinh phí hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập kể từ thời điểm bỏ học hoặc bị buộc thôi học.
Trường hợp người khuyết tật đã nhận học bổng và kinh phí hỗ trợ mua phương tiện, đồ dùng học tập mà bỏ học hoặc bị buộc thôi học thì phải trả lại số tiền đã nhận kể từ thời điểm bỏ học hoặc bị buộc thôi học cho cơ quan thực hiện chi trả để nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.