Tuy nhiên, hiện nhiều trường ĐH đã có số lượng tiến sĩ vượt xa ngưỡng 10% theo yêu cầu của đề án.
Vượt mục tiêu
Tính đến tháng 2/2021, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, có 522 giảng viên, với 44 GS, PGS, 211 Tiến sĩ, đạt tỷ lệ 48% giảng viên (GV) có trình độ tiến sĩ. Nhiều giảng viên được đào tạo, tu nghiệp và thỉnh giảng tại các trường đại học uy tín trên thế giới. Hằng năm, trường mời nhiều giáo sư, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước đến giảng dạy và nghiên cứu.
PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM cho biết: Nhà trường hiện có 63% giảng viên có học vị tiến sĩ, 15% có học hàm giáo sư/phó giáo sư. Hầu hết, các GV đều tốt nghiệp các trường ĐH nước ngoài.
“Chất lượng đội ngũ giảng viên là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp hạng một trường đại học, bởi vì tiêu chí này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học …” - PGS.TS Trần Tiến Khoa chia sẻ.
Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) tỷ lệ GV có trình độ tiến sĩ đạt 40,8%, mặc dù theo kế hoạch đến năm 2025 là 40% TS/GV.
“Theo kế hoạch phát triển đến năm 2025 nhà trường phấn đấu đạt 40% là tiến sĩ. Ngoài việc đào tạo, gửi đi đào tạo trong và ngoài nước theo các đề án, chương trình… đặc biệt là Đề án 89 mới, nhà trường cũng có nhiều chính sách đãi ngộ đối với tiến sĩ về trường giảng dạy và nghiên cứu như thưởng tiền, bố trí các phòng làm việc và nghiên cứu, tạo điều kiện triển khai dự án và đề tài cấp Bộ, tỉnh, thành, trường và quỹ Nafosted…” - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (phụ trách HCMUTE) chia sẻ.
Phía các trường ngoài công lập, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho hay: Trường có 78 GS, PGS, 214 tiến sĩ trong tổng số 1.486 GV, đạt tỷ lệ 19,7% GV có trình độ tiến sĩ.
Vì sao nhiều trường vượt mức?
Nói về lý do trường có nhiều tiến sĩ, PGS.TS Trần Tiến Khoa cho hay: Chiến lược phát triển của IU ở ba giai đoạn chiến lược 5 năm qua đều chú trọng phát triển môi trường làm việc tốt, trong đó bảo đảm sự hài hòa giữa các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cùng với mức thu nhập khá tốt để thu hút thầy cô giáo và các nhà nghiên cứu khoa học đến làm việc, yên tâm công tác tại trường.
“Diễn đạt ngắn gọn là như vậy, nhưng đây là quyết tâm lớn của ban lãnh đạo qua các nhiệm kỳ tiếp nối nhau của ĐHQG TPHCM nói chung và IU nói riêng” - PGS.TS Trần Tiến Khoa chia sẻ.
Còn tại HCMUTE, theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, bên cạnh một số chính sách thu hút, nhà trường cũng tạo mọi điều kiện như sắp xếp giờ dạy để giảng viên cơ hữu có thể làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhà trường khuyến khích các giảng viên thực hiện nghiên cứu tại các nước nói tiếng Anh, nước phát triển.
“Ngoài ra, nhà trường cũng tạo các cơ chế thoáng trong việc triển khai các dự án, tạo điều kiện cho các nhà khoa học thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, bảo đảm nguồn thu nhập và phát huy khả năng của người lao động. Đồng thời, tạo cơ chế thoáng, linh hoạt trong việc đấu thầu triển khai hoạt động nghiên cứu, tạo điều kiện cho các GV nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới từ cơ sở GDĐH trong và ngoài nước…” - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết.
Để có nguồn nhân sự hiện tại, TS Võ Văn Tuấn (Phó Hiệu trưởng VLU) trao đổi: Nhà trường đã triển khai kế hoạch phát triển đội ngũ tiến sĩ từ năm 2018 (Đề án 100 tiến sĩ) với mục tiêu tỷ lệ giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên đạt tối thiểu 25% vào năm 2025.
Trong đó, các chương trình hành động cụ thể được triển khai song song như: Xác định kế hoạch phát triển năng lực bản thân đối với từng giảng viên để có lộ trình học tập hợp lý; điều chỉnh các chính sách tạo điều kiện cho giảng viên học nghiên cứu sinh bao gồm chính sách hỗ trợ học phí, miễn giảm khối lượng nhiệm vụ và bảo đảm các chính sách phúc lợi xã hội đối với giảng viên đang trong thời gian học tập; thu hút đội ngũ tiến sĩ trẻ trong và ngoài nước bằng môi trường làm việc chủ động, sáng tạo và hướng đến kết quả.